Cách đây 2 tuần, một chuỗi siêu thị lớn tại EU đã phàn nàn với một nhà xuất khẩu ở Việt Nam về hàm lượng muối cao trong các sản phẩm fillet cá tra mà công ty này xuất sang EU. Hàm lượng muối cao hầu hết do sử dụng chất bảo quản Sodium tripolyphosphate (STTP) quá mức. Thông thường, hóa chất này có tác dụng giữ nước, duy trì độ ẩm, dai trong sản phẩm thủy sản; do đó làm tăng trọng lượng hàng thủy sản đông lạnh.
Bởi vậy mà Bộ Thủy sản Anh đã chỉ ra, bán các sản phẩm này đồng nghĩa “bán cá bán cả nước thêm vào cá”, và đó là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Tại EU, việc sử dụng STTP không bị coi là bất hợp pháp nhưng thị trường này cũng đặt ra những hướng dẫn rất chi tiết và khắt khe về hàm lượng STTP được phép sử dụng trong quá trình chế biến; quan trọng hơn cả, nếu sử dụng STTP thì phải ghi rõ trên bao bì sản phẩm ngay tại thời điểm bán hàng, để người tiêu dùng biết rõ.
Bên cạnh đó, hóa chất tăng trọng non-phosphate ngày càng được các nhà chế biến thủy sản sử dụng nhiều để giữ nước trong các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Hóa chất này khó phát hiện hơn là STTP và tệ hơn là, nhiều nhà chế biến các sản phẩm thủy sản – mà tôi cho là “không có đạo đức” đã gian lận trong việc ghi thông tin liên quan tới các hóa chất này trên nhãn mác bao bì. Việc sử dụng phosphate hay non-phosphate không đơn thuần là biện pháp duy trì độ ẩm cho sản phẩm cá tra Việt Nam, mà đó là một hình thức gian lận thương mại. Điều này khiến các nhà nhập khẩu thủy sản tại nước ngoài, nhất là EU “hoang mang” bởi họ đã và đang có thiện ý xây dựng thị trường cá tra bền vững, thay thế cho các loài cá thịt trắng khác đang dần cạn kiệt.
Một phái đoàn các nhà nhập khẩu đang tỏ ra lo ngại và lên tiếng với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vào tháng trước, nhân dịp VASEP tham gia hội chợ thương mại thủy sản tại Brussels. VASEP đã hứa sẽ khắc phục, đưa vấn đề này ra cơ quan quản lý ngành (Bộ NN&PTNT); đồng thời, kiến nghị hạn chế tỷ lệ mạ băng ở cá tra là 10% và ngừng việc gia tăng sử dụng hóa chất như STTP. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các nhà nhập khẩu thủy sản thế giới nói chuyện với VASEP về vấn đề này. Trong “quá khứ”, họ đã đề cập nhiều lần với VASEP, nhưng mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ.
Có lẽ, điều các hệ thống siêu thị bán lẻ tại EU nên làm bây giờ là chuyển nỗi “ám ảnh” về thứ gọi là “sản phẩm thủy sản bền vững” sang việc đảm bảo chắc chắn rằng quá trình chế biến của các sản phẩm thủy sản mà họ đang bán – nhất là cá tra – an toàn và sạch sẽ với người tiêu dùng tại thị trường đó. Điều này có lợi cho người tiêu dùng – những người luôn không muốn mua “nước” nhiều hơn mua cá, cũng như không muốn hương vị cá bị “mặn hóa”.