Nếu so sánh với lịch sử lâu đời của nghề khai thác, thì nghề nuôi thủy sản vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ và đang trải qua nhiều thăng trầm trên chặng đường phát triển. Nhưng đã đến lúc ngành thủy sản cần phải tiến lên một bước cao hơn, đó là hướng tới sự bền vững.
Thách thức này đặt ra yêu cầu với người tham gia sản xuất đó là phải có tầm nhìn và hành động dám vượt ra ngoài phạm vi của một “vùng an toàn” để tạo dựng được một ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) bền vững thực sự. Quy trình này còn được biết đến với một khái niệm đó là quản lý cấp vùng. Quản lý cấp vùng trong nuôi thủy sản vô cùng quan trọng vì thực trạng ô nhiễm, dịch bệnh lây lan tại các trại nuôi thủy sản vẫn đang nhức nhối. Mối nguy hại này có thể ảnh hưởng đến tất cả các loại hình trang trại ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà điển hình là trang trại nuôi cá tra, basa dọc sông Mê Kông ở Việt Nam, hay trại nuôi cá hồi ngoài khơi ở Chilê hoặc trại nuôi tôm tại Ấn Độ.
Nhiều nông dân nuôi cá hồi đã nhận được cảnh báo về mối nguy hại này và đã áp dụng tiêu chuẩn nuôi riêng trong nhiều năm qua. Đây là một tín hiệu khởi đầu tích cực nhưng chưa đủ. Chúng ta buộc phải định nghĩa lại khái niệm “bền vững” trong NTTS bao gồm các biện pháp quản lý cấp vùng.
Hiện tại, chúng ta mới chỉ dừng lại ở phạm vi trang trại thông qua các chứng nhận bền vững; nhưng một trang trại hoạt động hiệu quả không chỉ được bảo vệ để tránh dịch bệnh hoặc ô nhiễm nguồn nước.
Thông điệp này đã được nhiều tổ chức NTTS bền vững nhận ra và phát triển trong các tiêu chuẩn quản lý vùng. Điển hình là SFP đang đóng vai trò tích cực trong việc phát triển quản lý vùng và hỗ trợ những người hoạt động trong ngành thủy sản hướng đến bền vững. Tại Hải Nam – Trung Quốc, SFP đã làm việc với nhiều hộ nuôi thủy sản nhằm cải thiện tính bền vững trong nuôi cá rô phi và xây dựng tiêu chuẩn quản lý vùng với những nội dung khử trùng, thực hiện nghiêm túc quy định vệ sinh, phát triển chương trình vaccine và chứng nhận, đảm bảo an toàn sinh học khi vận chuyển cá giữa các vùng với nhau. Thị trường nhập khẩu ở các nước phát triển vốn rất quan tâm thương hiệu sản phẩm thủy sản và họ sẽ so sánh tiêu chuẩn nuôi ở các vùng, đánh giá tác động môi trường ở mức độ vùng, phối hợp quản lý dịch bệnh ở mức độ vùng; cải thiện thúc đẩy quản lý môi trường, thức ăn và dịch bệnh, thông qua đó cải thiện quản lý liên kết các trại nuôi, xây dựng quản lý các vùng nuôi đặc trưng. Do vậy, việc xây dựng hệ thống sản xuất thủy sản cấp vùng rất quan trọng. Tuy nhiên, để tìm được tiếng nói chung với người nông dân, các nhà quản lý cần phải hướng dẫn người nông dân bằng những kế hoạch ngắn hạn, đặt ra cho họ những mục tiêu rõ ràng trước mắt; đồng thời xây dựng chuỗi liên kết dọc giữa người nuôi, trại giống, nhà chế biến…