Việt Nam, quốc gia có nền kinh tế trả lương thấp phụ thuộc xuất khẩu, dường như hưởng lợi nhiều nhất trên “sân chơi” TPP, khi 18.000 dòng thuế của nhiều sản phẩm giữa 12 nước thành viên được xóa bỏ.
Dự báo, trong thập kỷ tới, GDP của Việt Nam tăng 11%, tương đương 36 tỷ USD, xuất khẩu tăng 28% khi các công ty lớn trên thế giới di chuyển dòng vốn và xây dựng nhà máy tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Qua những hiệp định thương mại giá trị như TPP, chúng ta thấy viễn cảnh xán lạn của kinh tế Việt Nam, nhưng đi kèm đó không ít thách thức.
Vậy ngành nào của Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP? Dễ có câu trả lời, bởi việc giảm thuế nhập khẩu từ Mỹ và Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho nhiều nhà sản xuất hàng may mặc tại các nước thành viên. Theo dự báo của Eurasia Group, xuất khẩu da – giày và may mặc của Việt Nam tăng 50% trong 10 năm tới.
Tuy vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam, nhất là chăn nuôi, sẽ phải gồng mình cạnh tranh với các công ty nước ngoài có quy mô sản xuất lớn và hiệu quả hơn. Xóa bỏ mức thuế nhập khẩu hiện tại 2,5% với sản phẩm dược cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty nội và ngoại. Ngoài ra, TPP sẽ tăng cường tính bảo hộ bằng sáng chế, hạn chế cơ hội các công ty Việt Nam tiếp cận sản phẩm mới cũng như khả năng sản xuất các loại dược phẩm mới.
Ngoài các ngành kể trên, thủy sản Việt Nam cũng sẽ thắng lớn trên thị trường quốc tế, nhờ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu tôm, mực ống và cá ngừ đang ở mức bình quân 6,4 – 7,2%. Nhưng Việt Nam cũng sẽ phải đối diện những hệ thống luật quy định xuất xứ rất khắt khe về nguồn nguyên liệu chế biến, và điều này có thể hạn chế lợi nhuận cho cả ngành dệt – may chứ không riêng ngành thủy sản.
Sẽ là mừng quá sớm nếu cho rằng TPP thông đường xuất khẩu vào nhiều thị trường. Có thể đặt giả thiết, khi TPP có hiệu lực, Mỹ thôi áp thuế chống bán phá giá với cá tra, tôm Việt Nam nhưng lại đòi hỏi nghiêm ngặt về xuất xứ nguyên liệu, thì Việt Nam cũng sẽ rơi vào thế bất lợi. Giá thành sản xuất tôm nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn giá chung nhiều nước khác (như Indonesia, Ấn Độ…) nên các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải nhập khẩu nguyên liệu. Nếu áp nguyên tắc xuất xứ rõ ràng thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn.
Khi thị trường nước ngoài mở cửa với hàng thủy sản Việt Nam thì hàng ngoại cũng có thêm nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Cá hồi, cá cam Nhật Bản đang chờ TPP có hiệu lực để tràn vào Việt Nam với giá cạnh tranh. Đây cũng là một trong những lý do Nhật Bản tự tin sẽ nâng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp lên 60% vào năm 2020, trong đó Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Mỹ và Canada cũng lên kế hoạch cho mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm lĩnh thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
TPP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam, nhưng có nắm bắt và đủ sức tận dụng được các cơ hội đó hay không, lại phụ thuộc bản lĩnh của doanh nghiệp cũng như sự dẫn dắt của nhà nước bằng hệ thống chính sách nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ, chuỗi liên kết, từ đó nâng cao sức cạnh tranh chung của nền kinh tế.