Trong báo cáo “Thương mại và tính bền vững ngành tôm châu Á” do tác giả Nicole Portley – điều phối viên của Đối tác nghề cá bền vững (SFP), châu Á chiếm 85% tổng sản lượng tôm nuôi toàn thế giới và chiếm 74% sản lượng tôm tự nhiên, trong đó 86% là tôm nước ấm.
Hoạt động tôm nuôi đang phát triển với tốc độ chóng mặt và chiếm 85% tổng sản lượng tôm tại các cường quốc tôm châu Á. Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Myanmar, Bangladesh và Campuchia được coi là 10 cường quốc tôm tại châu Á.
Tôm là mặt hàng thủy sản có giá trị giao dịch thương mại cao nhất nhưng chỉ 49% được tiêu thụ tại châu Á. Thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, chiếm 75% khối lượng tôm toàn cầu. Tại châu Âu, Pháp và Tây Ban Nha là những thị trường tiêu thụ tôm nhiều nhất. Hầu hết các nước nuôi tôm đều ồ ạt nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) để tăng doanh thu xuất khẩu, điển hình là Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia, với tổng doanh thu xuất khẩu TTCT trên 1 tỷ USD mỗi quốc gia. Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Philippines và Myanmar lại không đầu tư đồng đều vào đối tượng TTCT. Trị giá xuất khẩu tôm của mỗi quốc gia dưới 500 triệu USD/năm vì phần lớn tôm dành cho thị trường nội địa. Trung Quốc cũng đổ xô nuôi TTCT, nhưng cũng dành 88% tôm phục vụ thị trường nội địa.
Nói đến tính bền vững của ngành tôm châu Á, dịch bệnh, ô nhiễm nguồn nước và nguồn thức ăn chăn nuôi bền vững luôn là những thách thức lớn nhất. Khai thác tôm tự nhiên luôn tiềm ẩn hiểm họa hủy hoại môi trường và hệ sinh thái do sản lượng đánh bắt không mong muốn luôn ở mức cao khi người dân sử dụng lưới kéo. Còn với hoạt động nuôi trồng, vấn đề chính lại là sự phá hủy môi trường sống, dịch bệnh, thực hành lao động kém và khai thác quá mức tôm bố mẹ trong tự nhiên.
Công nghệ như máy quạt nước, thức ăn dạng viên đùn, thuốc kháng sinh và các biện pháp xử lý nước thải đã và đang thúc đẩy ngành tôm nuôi tiến nhanh hơn, từ đó cho phép tăng mật độ nuôi dày dặc để đạt năng suất cao. Các trại nuôi có thể sản xuất được nhiều loại tôm, đủ kích cỡ, đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường. Tuy vậy, muốn vượt được tôm tự nhiên và trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các hãng nhập khẩu, việc cải thiện chất lượng tôm nuôi vẫn đóng vai trò quan trọng và khó khăn nhất vì ngành tôm luôn phải đối mặt hiểm họa dịch bệnh khó lường như EMS hay EHP.
Để giảm tác động dịch bệnh, có thể thực hành nuôi tôm tốt để đạt các chứng nhận quốc tế. Nhưng thực tế chỉ có 11% khối lượng tôm tại 7 công ty tôm lớn nhất châu Á đạt chuẩn hiện hành như BAP, ASC hoặc GlobalGAP. Có lẽ, ngành tôm châu Á đang còn cách quá xa cái đích bền vững, nếu những người trong ngành không có ý thức thực hành nuôi và sản xuất tốt cũng như đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm khắc cho các chuỗi cung ứng tôm.
Biên tập viên Seafoodsource