(TSVN) – Trong kinh tế biển có nhiều ngành như dầu khí, hàng hải, vận tải biển, du lịch biển và ngành thủy sản nói chung đặc biệt là khai thác hải sản. Trung ương Đảng đã ban hành nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, tuy nhiên, mấy năm qua, vấn đề này chưa được nổi trội lắm, chỉ nói mạnh về du lịch, bởi nghị quyết đã nêu rõ du lịch là mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ngành du lịch chưa đảm nhận được vai trò mũi nhọn, đặc biệt là trong năm 2019, 2020 ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Tới đây, cần xem xét lại và có một tư duy mới về vấn đề kinh tế biển, xác định lại xem du lịch có phải vẫn là mũi nhọn, hay một ngành nào khác mà chúng ta chủ động làm được và trở thành động lực cho một ngành kinh tế biển, bảo đảm được mũi nhọn cho phát triển kinh tế quốc gia cũng như kinh tế biển, không phụ thuộc vào bất cứ một vấn đề gì khác.
Ngành thủy sản trong đó nghề khai thác hải sản trên Biển Đông góp phần không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đã đạt trên 8,5 tỷ USD và phần USD xuất khẩu này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà ngành thủy sản đem lại cho quốc gia. Kinh tế thủy sản mà đặc biệt là nghề khai thác thủy sản trên Biển Đông không chỉ bảo đảm công ăn việc làm, an sinh cho người dân, mà còn gánh vác vai trò quan trọng khác là khẳng định chủ quyền và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta.
Chính phủ cần nghiên cứu kỹ vai trò trọng tâm của các ngành kinh tế trong nền kinh tế biển ở đâu. Trong kinh tế biển vừa qua có nói đến năng lượng biển nhưng cũng chỉ nói về năng lượng từ thủy triều mà không nhắc đến các nguồn năng lượng khác như: sóng biển, gió biển, nắng biển, nhiệt biển và những dòng hải lưu nằm sâu dưới lòng biển của nước ta. Đây là những vấn đề cần lưu ý đến trong kinh tế biển.
Đối với thủy sản, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, trong đó có chủ trương phát triển khá toàn diện; tuy nhiên, cũng cần lưu ý thêm đến vấn đề mà nền nông nghiệp Việt Nam chú trọng và Chính phủ rất quan tâm đó là nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong đó con người là trung tâm; thì trong ngành thủy sản đặc biệt là khai thác hải sản trên biển lại càng phải quan tâm đến mối quan hệ chặt chẽ ngư dân – ngư nghiệp – ngư trường. Ngư dân – con người là trung tâm của sự phát triển; ngư nghiệp – quan tâm khoa học công nghệ năng suất và hiệu quả lao động; ngư truờng – không gian bao la trên biển mà ngư dân được đánh cá. Chúng ta có 1 triệu km2 đặc quyền kinh tế, đó là ngư trường của chúng ta phải làm chủ. Tuy nhiên, ngư trường của chúng ta có thể rộng lớn hơn đó là các vùng biển quốc tế, vùng biển nước lân cận mà chúng ta có thể hợp tác rất lớn. Chính phủ cần có 1 chính sách mở rộng ngư trường này để phát huy hết tài năng, trí tuệ của ngư dân.
Mặt khác, nước ta có trên 3.260 km bờ biển, hàng chục tỉnh, thành có biển, những địa phương có biển cần phải được đầu tư mạnh hạ tầng giao thông, điện, nước; hiện nhiều tỉnh ven biển thiếu nước ngọt ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế nói chung và đời sống của nhân dân nói riêng. Biển là tiềm năng rất lớn của chúng ta nên trong nền kinh tế biển cũng như trong định hướng tới, cố gắng đầu tư phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển thì chúng ta mới có được 63% GDP thu được từ biển.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam