(TSVN) – Năm 2021 bùng phát đại dịch mà kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn vượt năm 2020, cho niềm tin ngành tôm đã có nội lực mạnh. Đáng chú ý hơn, giữa đại dịch, ngành tôm vẫn xây dựng nền tảng cho sự phát triển mới, đơn cử 3 sự kiện theo thời gian sau đây.
Tháng 1/2021, Công ty TNHH MTV Việt Úc – Cà Mau (thuộc Tập đoàn Việt Úc) chuyên sản xuất tôm giống được chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices – Thực hành Nuôi thủy sản tốt) của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Đây là một chứng nhận uy tín, rất có giá trị. Để phần nào hiểu giá trị của chứng nhận BAP, có lẽ tham khảo thêm quá trình Tập đoàn Việt Úc xây dựng một cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), mất 2 năm với hồ sơ hàng nghìn trang và ngày 5/10/2018 mới được Cục Thú y ra quyết định xác nhận. Từ thành công ấy, phải nhiều nỗ lực nữa mới đạt chứng nhận BAP, cũng là lần đầu tiên và duy nhất hiện nay doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Việt Nam đạt được.
Với tôm giống được chứng nhận BAP sẽ bớt rủi ro khi nuôi và có tôm thương phẩm xuất khẩu đến nhiều thị trường cũng thuận lợi bởi dễ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tập đoàn Việt – Úc từ lâu nuôi khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”, tiên phong ứng dụng công nghệ cao sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, với kết quả đạt được đã thực sự góp phần xây dựng thương hiệu và nâng tầm tôm Việt.
Trong quý II/2021, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, doanh nghiệp xuất khẩu tôm thứ ba nước ta, tăng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha, kỳ vọng tự chủ nguyên liệu khoảng 35% cho nhà máy chế biến 30.000 tấn/năm. Sao Ta là doanh nghiệp hàng đầu về vùng nuôi đạt chuẩn ASC, công nghệ nuôi tiên tiến, sử dụng chế phẩm sinh học nuôi tôm chất lượng cao. Cùng thời gian, Sao Ta đầu tư xây thêm 2 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu có công suất 15.000 tấn/năm và 5.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022. Có thể thấy, sau nhiều thành công, Sao Ta đang chuẩn bị chu kỳ tăng trưởng mới trên cơ sở hoàn thiện chuỗi giá trị ngành tôm.
Trong buổi đối thoại của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với các doanh nhân đại diện ngành hàng nông sản ngày 26/10/2021, Chủ tịch HĐQT Sao Ta bày tỏ “2 vấn đề bức xúc”. Thứ nhất, vướng mắc tích tụ đất đai nên không có các vùng nuôi tôm rộng làm ra sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu thị trường. Thứ hai, vì manh mún nên nhiều diện tích nuôi tôm chưa có mã số vùng nuôi, không thể truy xuất nguồn gốc, khó nâng cao giá trị tôm Việt. Rõ ràng, Sao Ta đang nỗ lực giải quyết những vấn đề lớn của ngành tôm.
Sáng 27/10/2021, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khởi công chuỗi nhà máy chế biến tôm tại tỉnh Cà Mau. Gồm nhà máy Minh Phát, Minh Quý, Minh Phú cùng công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy bao bì Quang Minh công suất 5.000 tấn/năm. Các nhà máy triển khai theo mô hình kinh tế tuần hoàn và cân bằng carbon trong cả chuỗi giá trị tôm, có hệ thống xử lý nước tập trung hiện đại, bảo vệ môi trường. Tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, trên diện tích 24,5 ha.
Tại Cà Mau từ năm 2016, Tập đoàn Minh Phú cùng Công ty Camimex, Seanamico đã tiên phong phát triển tôm – rừng để có tôm sinh thái xuất đi các thị trường chất lượng cao. Phát triển bằng cách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng, mức trả tối thiểu 500.000 đồng/ha/năm hoặc bình quân 1.000 đồng/kg tôm chứng nhận quốc tế tùy theo thỏa thuận. Chi trả dịch vụ môi trường rừng chính là chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên để bảo vệ môi trường mà từ ngày 1/1/2022, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các hoạt động NTTS đều phải thực hiện.
Tôm sinh thái có chất lượng cao, bảo vệ môi trường, thực sự “chuẩn quốc tế, tốt môi trường” đó chính là thủy sản xanh; cũng như nông nghiệp xanh đang là yêu cầu của người tiêu dùng, đòi hỏi của thời đại. Việc xây dựng thủy sản xanh ở nước ta đang có 4 trở ngại: Hộ nhỏ lẻ khó ứng dụng khoa học công nghệ, thiếu quan tâm bảo vệ môi trường, thiếu hạ tầng kết nối, thiếu tài chính. Hoạt động của Tập đoàn Minh Phú trong năm 2021 có thể thấy, sau thành công với tôm – rừng, đang chủ động khắc phục các trở ngại để góp phần tích cực xây dựng thủy sản xanh.