Hà Nam: Phát triển nuôi thủy đặc sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 5.000 ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản. Những năm gần đây, cùng với khai thác diện tích mặt nước nuôi cá theo hướng thâm canh, chuyên canh, người dân trong tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các loại thủy đặc sản, với tổng diện tích nuôi ước khoảng gần 100 ha. Trong đó, nổi lên một số đối tượng đang được thị trường ưa chuộng, như: Lươn, tôm càng xanh, ốc nhồi… Hướng đi này giúp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân.

Tìm hiểu tại các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh cho thấy, xu thế chuyển đổi sang các giống đặc sản đang có chiều hướng tăng cả về quy mô và diện tích. Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi ốc nhồi đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Điển hình như tại xã Nhân Thịnh (Lý Nhân) hiện đã hình thành vùng nuôi ốc nhồi chuyên canh có tổng diện tích ước khoảng 30 ha. Phần lớn các ao dọc đê sông Hồng và trong khu dân cư của xã đều được người dân lựa chọn nuôi ốc nhồi. Đối tượng con nuôi thủy đặc sản này có nhiều ưu điểm và ưu thế so với các loại thủy sản khác. Nuôi ốc nhồi chỉ phải mua giống lần đầu, sau đó người dân có thể tự sản xuất ra giống qua việc thu gom trứng ấp nở. Thức ăn của ốc hoàn toàn từ tự nhiên, bằng các loại rau, củ, quả thải loại và một số hoa quả, sản phẩm nông nghiệp khác.

Ốc nhồi đặc biệt phù hợp với những ao nuôi diện tích nhỏ, nuôi cá kém hiệu quả và ít dịch bệnh. Về hiệu quả kinh tế, hiện 1 kg ốc nhồi thương phẩm đang được người dân bán với giá trung bình 70 nghìn đồng/kg. Năng suất ốc nhồi đạt 6 – 7 tấn/ha, đạt giá trị 450 – 460 triệu đồng/ha, cao gấp 3 – 5 lần nuôi cá truyền thống (trắm trắng, mè, trôi…). Thị trường tiêu thụ ốc thương phẩm rất rộng, thương lái về tận ao nuôi thu mua đưa đi các tỉnh, thành phố.

Anh Nguyễn Hữu Hưng, thôn 1 – Đồng Thủy (Nhân Thịnh) chia sẻ: Tôi là người đầu tiên đưa ốc nhồi về nuôi tại xã, xuất phát điểm khoảng 50 cặp ốc bố mẹ cách đây hơn 15 năm. Từ đó, tôi nhân giống cung cấp cho người nuôi trong vùng và xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố. Đồng thời, thu mua ốc thương phẩm bán ra thị trường, có thời điểm diện tích thu mua ốc khoảng 20 ha. Hiện nay thị trường thuận lợi và rộng hơn, anh Hưng không còn thu mua ốc cho người dân, nhưng vẫn đang duy trì diện tích nuôi ốc nhồi của gia đình hơn 1ha.

Mô hình nuôi ốc nhồi cho thu nhập cao của anh Nghiêm Xuân Bôn, thôn Vực Trại Nhuế, xã Liêm Cần (Thanh Liêm).

Cùng với ốc nhồi, các mô hình nuôi thủy đặc sản khác đang phát huy hiệu quả khá tốt. Diện tích nuôi cá chuối, cá lóc bông của tỉnh có khoảng 8 ha theo hướng công nghiệp, chuyên canh. Mật độ nuôi từ 5 – 10 con/m2, có kích cỡ thu hoạch 0,8-1,2kg/con. Sản lượng cá chuối, cá lóc bông tại các mô hình đạt khoảng 40 tấn/ha, cho giá trị sản xuất đạt 2,5 tỷ đồng/ha, trừ chi phí cho lợi nhuận 300-350 triệu đồng/ha. Tôm càng xanh là đối tượng được một số hộ nuôi thủy sản chuyên canh lựa chọn, với tổng diện tích ước 10 ha, cho giá trị đạt khoảng 300 triệu đồng/ha… Nuôi cá lồng trên sông Hồng cũng đang được nhiều hộ áp dụng nuôi cá ngạnh đặc sản.

Mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng cũng được một số hộ dân áp dụng. Anh Hoàng Đại Long, thôn Đồng Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) xây 8 bể nuôi lươn không bùn trên diện tích 100 m2. Trong các bể nuôi này anh Long nhập 2 vạn con giống lươn về nuôi, cho ra 3 tấn lươn thương phẩm mỗi năm. Cách nuôi mới này không đòi hỏi về diện tích ao nuôi, người dân có thể tận dụng hệ thống chuồng trại, mặt bằng sân, vườn.

Theo anh Hoàng Đại Long, quan trọng nhất của nuôi lươn không bùn là cần nắm vững kỹ thuật. Bể nuôi lươn đòi hỏi thay nước ngày 2 lần (sáng, tối). Đầu ra cho sản phẩm lươn thịt hiện nay khá dồi dào, chủ yếu xuất, bán cho các nhà hàng, cửa hàng bán lươn trong tỉnh, chưa cần tìm thêm thị trường bên ngoài. Giá bán lươn thịt ổn định 120 nghìn đồng/kg, đạt lợi nhuận khoảng 40%, khá cao so với các loại thủy sản khác.

Nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao của anh Hoàng Đại Long, thôn Đồng Lạc, xã Đồng Hóa (Kim Bảng).

Thực tế cho thấy, nuôi các loại thủy đặc sản về cơ bản cũng không quá phức tạp so với nuôi cá truyền thống. Các hộ có thể tận dụng, chuyển đổi từ những vùng ao nuôi có sẵn. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm thủy đặc sản ngày càng tăng là thuận lợi lớn cho việc phát triển sản xuất của người dân… Tuy nhiên, người dân vẫn rất cần nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh với một số đối tượng nuôi để bảo đảm đạt hiệu quả cao. Đây là vấn đề cần ngành chuyên môn quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiệu quả của nuôi thủy đặc sản được chứng minh tại những mô hình đã áp dụng trong tỉnh. Quan trọng nhất, người dân cần cân nhắc, tìm hiểu kỹ để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Về phía chi cục sẽ đảm nhiệm công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy đặc sản khi có nhu cầu của địa phương và người dân cùng với nhiệm vụ chuyên môn chung…

Nuôi thủy đặc sản đang là hướng đi mới, hứa hẹn tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Cách làm này không những góp phần nâng cao giá trị mà còn hướng tới tạo ra những sản phẩm thủy sản chủ lực, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của ngành thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung.

Mạnh Hùng

Nguồn: Báo Hà Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!