(TSVN) – Nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng và tình hình thực tế sản xuất nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương triển khai thực hiện giải pháp theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Cụ thể, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đề nghị Chi cục Thủy sản tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo người nuôi các biện pháp xử lý môi trường cho ao đầm nuôi, vùng nuôi phù hợp; Hướng dẫn, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực theo quy định cho cơ sở nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với các địa phương chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Đồng thời tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao vụ xuân – hè tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh.
Chi cục Chăn nuôi – Thú y tăng cường hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, giám sát việc thực hiện kiểm dịch giống nhập vào địa bàn; tham mưu, chuẩn bị các điều kiện về vật tư, hóa chất hỗ trợ các địa phương khi có dịch bệnh xảy ra.
Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản; chủ trì, phối hợp Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y và các địa phương triển khai Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi theo kế hoạch được phê duyệt.
UBND các huyện, thành phố, thị xã ổn định diện tích nuôi thủy sản hiện có, tăng vụ tại các vùng nuôi tôm ít chịu ảnh hưởng của lũ lụt như trên cát bãi ngang ven biển và một số vùng nuôi ven sông có địa hình cao, góp phần nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2023.
Với những vùng nuôi thấp triều hay bị dịch bệnh cần chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp như: nuôi xen nghép (tôm, cua, cá), nuôi chuyên canh các đối tượng cá đối mục, cá chim, vược, cua,… nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước sẵn có để tăng sản lượng và giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Cùng đó, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân báo cáo, thống kê đầy đủ khi xảy ra dịch bệnh trên động vật thủy sản và thực hiện tốt công tác kê khai ban đầu. Triển khai hiệu quả kế hoạch phòng chống thiên tai, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm để giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác quản lý cộng đồng trong sản xuất nuôi trồng như: quản lý chất lượng con giống, quản lý cấp nước và xả thải ra môi trường. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, như: quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, ứng dụng công nghệ biofloc, quy trình nuôi theo hướng VietGAP… nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả vụ nuôi…
Bảo Hân