(TSVN) – Trong thời gian qua, tại Hà Tĩnh đã có 7 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ được thành lập. Đây thực sự là cánh tay nối dài của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát ngư trường, phát hiện những hành vi đánh bắt trái quy định, từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời, góp phần phát triển nghề khai thác hải sản bền vững.
Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, xã Xuân Yên và Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 3, xã Xuân Liên thuộc huyện Nghi Xuân được thành lập từ năm 2016. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ đồng quản lý này chủ yếu tương trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, khi gặp mưa giông, gió bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trước khi vào bờ. Đến năm 2020, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, hai tổ đồng quản lý này được giao quyền quản lý hoạt động NTTS, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản. Khi được giao quyền, các tổ viên tham gia đều thực hiện tốt việc quản lý hoạt động khai thác hải sản vùng biển ven bờ của xã (tương đương trong phạm vi khoảng 11 hải lý).
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Tổ đồng quản lý nghề cá kiểm tra tình hình khai thác của ngư dân. Ảnh: NH
Là thành viên Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, ông Nguyễn Văn Thú hàng ngày vừa tham gia đánh bắt hải sản trên biển nhưng cũng vừa tiến hành theo dõi, phát hiện những tàu cá vi phạm quy định đánh bắt để báo cho lực lượng chức năng kịp thời ngăn chặn. Từ sự giúp sức của ngư dân, nhiều tàu giã cào đã bị phát hiện và xử lý, góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ. ông Nguyễn Văn Thú chia sẻ: “Những năm gần đây, vùng biển ven bờ được bảo vệ, quản lý, không có trường hợp đánh bắt tận diệt nên lượng hải sản khá dồi dào. Như những ngày vươn khơi vừa rồi, ngày nào tôi cũng thu được lượng hải sản lớn, bình quân mỗi ngày thu nhập khoảng 5 triệu đồng từ việc bán ghẹ và các loại cá”.
Ông Trần Văn Minh, Tổ đồng quản lý nghề cá số 2 cũng cho biết, từ khi được giao quyền quản lý hoạt động NTTS không chỉ làm gia tăng hiệu quả khai thác thủy sản mà còn làm thay đổi căn bản nhận thức của ngư dân trong việc ngăn chặn sử dụng tàu giã cào, lưới mắt nhỏ hay kích điện trong quá trình khai thác thủy sản.
“Tổ đồng quản lý cũng được quyền tổ chức tuần tra, kiểm tra hoạt động NTTS, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trong khu vực được giao quyền quản lý; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Trung bình mỗi tháng, các tổ viên trong Tổ cung cấp từ 3 đến 4 thông tin về các hoạt động vi phạm, như: Tàu cá có công suất lớn khai thác sai vùng, sử dụng ngư lưới cụ bị cấm, dùng xung kích điện khai thác… Từ đó, giúp các lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư có biện pháp xử lý kịp thời. Chỉ tính riêng Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2, trong năm 2021 và 10 tháng đầu năm 2022, đã phát hiện hơn 25 trường hợp tàu cá vi phạm; bàn giao cho lực lượng chức năng xử phạt hành chính hơn 500 triệu đồng”, ông Minh thông tin thêm.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Phòng Khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 7 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 1.564 tàu cá tham gia. Trong đó có 5/7 tổ đã được kiện toàn tổ chức, cơ cấu theo Luật Thủy sản và đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, góp phần tuyên truyền có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản, các quy định của chính phủ trong việc chống khai IUU. Cũng từ đó, ý thức của bà con về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao, các hành vi vi phạm có chiều hướng giảm, nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu phục hồi.
Giao quyền quản lý cho tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ được xem là giải pháp chủ động tự bảo vệ vùng biển, tài nguyên ven bờ của ngư dân, góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái các thủy vực, mang lại sinh kế ổn định cho ngư dân. Về lâu dài, để tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ phát huy tối đa hiệu quả, các cấp chính quyền cần có chính sách khuyến khích, động viên các thành viên Ban điều hành của tổ đồng quản lý, nhằm duy trì hoạt động tập huấn, tuyên truyền đảm bảo thường xuyên, liên tục.
Nguyễn Hoàn