Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” do Tổng cục Thủy sản tổ chức hôm 17/11, ở TP Cần Thơ, thu hút nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi của các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, cán bộ Vụ Nuôi trồng Thủy sản khẳng định: Làm VietGAP để phát triển bền vững, để khẳng định chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Bộ tiêu chuẩn VietGAP có 104 tiêu chí, gồm bốn nhóm chính: chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh – vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Trong đó, an toàn thực phẩm được đặc biệt đề cao, điều này hoàn toàn phù hợp đòi hỏi của thị trường hiện đại, người tiêu dùng chỉ chấp nhận sản phẩm an toàn cho sức khỏe, không chấp nhận điều ngược lại.
Kết quả thực hiện VietGAP còn quá ít. Từ năm 2013 đến 30/10/2015, tổng diện tích thực hiện VietGAP mới hơn 686 ha. Trong đó, nhiều nhất là cá tra với 361,5 ha; kế tiếp là tôm thẻ chân trắng; còn lại là tôm sú, tôm càng xanh, cá rô phi, cá lóc, cá điêu hồng, cá song, lươn…
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho biết, tính cả các tiêu chuẩn tiên tiến khác như ASC, BAP, GlobalGAP thì tổng diện tích cũng mới chiếm hơn 20% tổng diện tích cá tra. Quá thấp so với yêu cầu của Nghị định 36, cuối năm 2015 phải 100% diện tích nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Chất lượng cá tra đáng lo còn thể hiện qua thống kê xuất khẩu. Số liệu của Hải quan 10 tháng đầu năm, kim ngạch gần 1.307 tỷ USD, giảm 10,4% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các thị trường hàng đầu đều giảm: EU giảm 15,1%, Mỹ 4,6%, ASEAN 1,9%. Những thị trường trung bình cũng giảm: Brazil giảm 44,5%, Mexico 10%, Colombia 11,5%. Riêng thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh, đến 52,9%, kim ngạch gần 134 triệu USD.
Sự tăng kim ngạch ở thị trường Trung Quốc và Hồng Kông chứa đựng nhiều rủi ro. Ông Võ Hùng Dũng kể, chủ yếu xuất tiểu ngạch với cung cách: sản phẩm cá tra chở đến gần biên giới, hạ xuống tháo ra, vác qua biên giới sang đất Trung Quốc đóng gói lại với nhãn hiệu Trung Quốc. Sản phẩm cá tra giảm ở các thị trường chất lượng cao, tăng ở thị trường chất lượng thấp với cung cách xuất khẩu tiểu ngạch như thế không bền vững. “Nếu việc xuất khẩu tiểu ngạch bị cản trở thì ngành cá tra với sản phẩm chất lượng thấp sẽ đối diện điều gì?”, ông Dũng hỏi.
Vấn đề các đại biểu dự Hội thảo đặt ra: Cần hài hòa tiêu chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn tiên tiến khác, để khuyến khích thực hiện VietGAP, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam cũng như các loài thủy sản khác. Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, việc hài hòa tiêu chuẩn đã được triển khai từ năm 2013, thúc đẩy mạnh mẽ giữa năm 2015 và sẽ được đẩy nhanh trong thời gian tới. Hài hòa tiêu chuẩn là sự hội nhập VietGAP với thế giới, không ngừng nâng cao chất lượng thủy sản Việt Nam để phát triển bền vững.