Hiện nay, các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều phải đối mặt với tình trạng sản xuất cầm chừng do nguồn nước bị ô nhiễm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi thủy sản không mặn mà đầu tư mở rộng sản xuất.
Vùng nước lợ nhiễm nước thải công nghiệp
“Do bị thất bát liên tục nên công nhân chúng tôi phải bỏ đầm thủy sản, xoay đủ nghề kiếm sống” – anh Trịnh Hữu Đằng, công nhân Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn cho biết – Tôi đầu tư nuôi trồng thủy sản từ những ngày đầu thành lập xí nghiệp. Nhưng từ năm 2005, tôi phải bàn giao 3 ha đầm nuôi thủy sản cho dự án sân gôn Đồ Sơn. Được ít tiền đền bù, năm 2006, tôi tiếp tục đầu tư 1,5 ha đầm tại khu vực sát kênh T600. Nhưng từ năm 2007 đến nay, vụ nuôi nào tôi cũng bị thất bát, tôm cua chết hàng loạt vì đầm nuôi đều nằm kẹt giữa các dự án là Khu công nghiệp Đồ Sơn, sân gôn Đồ Sơn và dự án Khu đô thị Our City, môi trường vùng nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nước thải của Khu công nghiệp Đồ Sơn đổ thẳng ra mương thủy lợi chung, hệ thống thủy lợi bị chia cắt vì các dự án”. Theo ông Hoàng Đình Mỹ, Phó giám đốc Xí nghiệp dịch vụ nuôi trồng thủy sản Đồ Sơn, trước đây, cả khu vực đê biển 1 chạy dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng có diện tích nuôi thủy sản nước lợ gần 700 ha, đến nay, diện tích còn lại khoảng 300 ha. Phường Tân Thành còn 175 ha, Hải Thành còn khoảng 48 ha. Hiện cả hai xí nghiệp nuôi thủy sản Kiến Thụy và Đồ Sơn cũng chỉ còn hơn 60% số hộ nuôi cầm chừng vì hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản xen giữa các dự án, bị phá vỡ hạ tầng, ba bề bốn bên đều ô nhiễm. Đến thời điểm này, các chủ đầm đều bỏ sản xuất, để mặc một vùng ô nhiễm, hoang hóa.
Môi trường vùng nuôi thủy sản tại phường Hải Thành (quận Dương Kinh – Hải Phòng) đang bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các nhà máy trên địa bàn. Ảnh: Linh Nga
Tương tự như vậy, vùng nuôi thủy sản nước lợ thuộc khu vực Tràng Cát – Đình Vũ (Hải An) cũng chịu thất bát liên tục vì đầm kẹt giữa các dự án công nghiệp nên nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng vùng nuôi bị phá vỡ. Đặc biệt, nhiều khu vực ao đầm tự nhiên trước đây là ao nuôi thủy sản nay trở thành hồ điều hòa trong khu dân cư, khu công nghiệp bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều hộ nuôi thủy sản ở Đình Vũ, Tràng Cát buộc phải bỏ không đầm vì ô nhiễm dù đất thủy sản chưa được các dự án thu hồi.
Nuôi nước ngọt lao đao vì dịch bệnh
Trong khoảng 2 năm gần đây, vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt thuộc các huyện Tiên Lãng, Kiến Thụy, Thủy Nguyên cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước. Anh Phạm Văn Chính, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tây Hưng (Tiên Lãng) cho biết, xã hiện có 396 ha nuôi cá nước ngọt của 150 hộ dân, chia làm 4 khu (lô 5,6,7 và 8). Trong khoảng 2 năm gần đây, cứ đến đợt nắng nóng là cả 4 khu đều rải rác có tình trạng cá chết do độ pH trong nước vượt quá mức cho phép, nước thiếu ôxy do ô nhiễm. Hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ ở Tây Hưng (Tiên Lãng) mà còn xảy ra tại một số xã của huyện Thủy Nguyên như Lập Lễ, An Lư, Phục Lễ, Dương Quan. Qua phân tích mẫu cá chết, môi trường khu vực cá chết tại các vùng nuôi này, Chi cục thú y Hải Phòng và Trung tâm nghiên cứu quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) khẳng định nguồn nước nuôi thủy sản tại các khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ và gây ảnh hưởng sức khỏe của cá. Nhiều hộ cho cá ăn trực tiếp phân lợn, phân gà nên cá bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Thực tế là phần lớn hộ dân bị thiệt hại ở các khu vực này đều nuôi thủy sản theo mô hình VAC. Phía trên ao cá là hệ thống chuồng nuôi lợn hoặc chăn thả vịt tự do khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Cứ vào giai đoạn chuyển mùa hoặc nắng nóng cao điểm là các vùng nuôi thuỷ sản nước ngọt bị hiện tượng này.
Nuôi biển khổ vì ô nhiễm
Hiện nay, huyện Cát Hải có 588 lồng bè nuôi cá biển với hơn 11 nghìn ô lồng, là địa phương phát triển nuôi biển mạnh nhất trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên do số lượng ô lồng nuôi cá tăng chóng mặt nhưng chủ yếu là tự phát, đồng thời việc neo đậu chưa có quy hoạch và sự quản lý của Nhà nước nên vùng nuôi bị ô nhiễm. Phần lớn hộ nuôi vẫn sử dụng phương thức nuôi đơn giản trong lồng lưới nổi, nguồn giống chủ yếu vẫn là thu gom giống tự nhiên, thức ăn là cá tạp tươi sống nên nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Thức ăn dư thừa từ nhà hàng, chất thải của cá và các chất thải sinh hoạt khác của con người hoạt động trên lồng bè hằng ngày hằng giờ đang gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các lồng bè đặt quá sát nhau hạn chế tốc độ của dòng chảy, làm giảm mức độ trao đổi làm sạch nước, tăng nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh do mật độ sinh vật trong thuỷ vực quá cao. Do đó, trong mấy năm gần đây, cá lồng bè của Cát Hải thường mắc các bệnh lở loét, đường ruột và bệnh sưng gan, chết rải rác, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Hoàng Yên
Theo Báo Hải Phòng