(Thủy sản Việt Nam) – Đây là thực trạng đáng báo động tại nhiều cảng cá của cả nước, gây lãng phí rất lớn. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự bất cập trong nghề cá hiện nay, khi đang thiếu trầm trọng cơ sở hậu cần dịch vụ trên bờ.
Cảng cá Trần Đề ở tỉnh Sóc Trăng, gần ngư trường Biển Đông nhất của vùng ĐBSCL, tàu chạy vài giờ đã tới khơi xa để đánh bắt cá lớn. Giám đốc Trần Văn Chiêu cho biết, cảng rộng gần 16 ha, có các cơ sở phục vụ hơn 1.100 tàu đánh cá, trong đó 249 tàu đánh bắt xa bờ.
Hải sản đổ đống trên cầu cảng Trần Đề
Phân loại theo chất lượng
Cá mập con, hải sản quý trở thành phế phẩm
PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam chứng kiến hai con tàu khai thác biển mới về, đang chuyển hải sản lên bờ. Hải sản để trong những túi ni lông nhỏ, ướp đá dưới hầm tàu, được hót và ném chất đống trên nền xi măng cầu cảng. Một đống bèo nhèo, người lạ không thể ngờ đó là hải sản, công sức cả tháng trời đánh bắt của ngư dân. Nhiều phụ nữ ngồi xé bọc ni lông để lựa ra, theo loại cá tôm và theo chất lượng. Sau đó, xe đông lạnh, xe tải, xe ba gác chở hải sản vào nhà máy chế biến, ra chợ, đến cơ sở phơi khô, ủ mắm hoặc làm phân bón.
Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, mỗi năm cả nước khai thác 2 triệu tấn hải sản, tổn thất sau khai thác khoảng 20%. Con số “khủng” cả về tỷ lệ tổn thất lẫn giá trị. Bộ NN&PTNT đang đặt mục tiêu, đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất hải sản sau thu hoạch xuống dưới 10%.