Đã xác định được vi khuẩn dòng Vibrio parahaemolyticus là thủ phạm gây Hội chứng hoại tử gan tụy cấp làm tôm chết sớm. Tuy nhiên, việc hạn chế vi khuẩn gây bệnh cho tôm không chỉ cần thể hiện ở việc đối phó Vibrio parahaemolyticus.
Chuẩn bị tốt ao nuôi hạn chế vi khuẩn gây bệnh – Ảnh: Phan Thanh Cường
Để hạn chế vi khuẩn trong ao, cần phải chuẩn bị tốt từ khâu chuẩn bị ao nuôi: vét sạch bùn đáy, rải vôi đáy ao, phơi khô để tạo điều kiện khoảng hóa nền đáy, hạn chế và tiêu diệt vi khuẩn yếm khí. Nước trước khi được đưa vào ao nuôi cần phải xử lý; hạn chế lấy nước vào thời điểm độ mặn quá cao hoặc quá thấp. Nguồn giống phải đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch trước khi thả nuôi.
Luôn đảm bảo lượng ôxy ở mức cho phép. Khi ao nuôi thiếu ôxy, các vi khuẩn yếm khí sẽ hoạt động mạnh và gây bệnh cho tôm. Trong quá trình nuôi, cần theo dõi môi trường, đặc biệt là quản lý tốt bùn đáy thông qua quản lý thức ăn và các yếu tố môi trường.
Sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh có chất lượng tốt với nhiều dòng vi khuẩn có lợi sẽ lấn át, kìm chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại trong ao tôm. Vi khuẩn có hại thường thích hợp điều kiện yếm khí; vì vậy trong trại tôm giống việc vệ sinh đáy bể ương tôm sẽ hạn chế được sự phát sinh của vi khuẩn gây bệnh trên tôm giống nên sẽ hạn chế được rủi ro khi thả giống. Các dòng vi khuẩn thường gây cho tôm các bệnh mòn đuôi, đứt râu, ăn mòn phụ bộ, đen mang, phát sáng…
Để phòng bệnh phát sáng cho tôm nuôi, cần thực hiện tốt các biện pháp từ khâu chọn giống ban đầu, cải tạo ao, loại bỏ hết chất hữu cơ vào đầu vụ; thực hiện nuôi tôm trong độ mặn thấp, giữ nước có màu xanh vỏ đậu, hạn chế khả năng tăng cao nhiệt độ; không để dư thức ăn; tăng cường sức khỏe tôm nuôi bằng thức ăn giàu dinh dưỡng và vitamin.
Khi nước trong ao nuôi có màu xấu, mùi tanh là trong ao có nhiều vi khuẩn. Vì vậy cần phải thay nước để giảm mật độ vi khuẩn trong ao, nếu dùng thuốc hoặc hóa chất diệt vi khuẩn thì sau đó phải sử dụng men vi sinh để phục hồi hệ thống vi sinh vật, vi khuẩn có lợi trong ao tôm.