Hậu dịch bệnh EMS: Tôm Thái Lan nỗ lực phục hồi

Chưa có đánh giá về bài viết

Cơ quan quản lý thủy sản Thái Lan dự báo, 2014 là năm đầy hy vọng của ngành tôm nước này.

2013 – một năm thua lỗ

Là nhà cung cấp tôm hàng đầu thế giới nhưng năm 2013 Thái Lan đã mất vị thế trên thị trường tôm quốc tế do dịch bệnh EMS, Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nhất. Trong lúc Thái Lan suy yếu, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam đã vượt lên chiếm thị phần.

Nhà xuất khẩu và chế biến đều phải gồng mình chiến đấu với EMS. Công ty có mô hình liên kết dọc như Asia Group là một trong những nạn nhân của EMS. Theo ông Attappol Mongkonrat, nhân viên marketing của Asian Group, gần đây Công ty đã phải tạm đóng cửa 1 trong 6 nhà máy chế biến, chờ tình hình ổn định hơn. Dịch bệnh EMS đã làm cho Asia Group bị thua lỗ 300 triệu USD. Những công ty chế biến quy mô nhỏ như CFF ở Samutsakon cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Doanh thu năm 2013 của CFF giảm mạnh, công ty này phải cắt giảm 60% sản lượng. Công ty Marine Gold Products thua lỗ 8 tỷ baht trong năm ngoái. Việc cắt giảm sản lượng, đóng cửa nhà máy còn đẩy nhiều công nhân tại Thái Lan vào tình trạng thất nghiệp.

Thu hoạch tôm ở Thái Lan – Nguồn: Asiabusinessinfo

Do nắng nóng kéo dài và sự phục hồi ngành tôm sau dịch bệnh quá chậm so với dự tính ban đầu, ngành tôm Thái Lan tụt hạng sâu hơn trên thị trường thế giới. Sản lượng tôm Thái Lan năm 2010 cao ở mức kỷ lục: 610.000 tấn và năm 2012, sản lượng giảm mạnh xuống còn 450.000 tấn và năm 2013 là 250.000 tấn.

 

Tìm giải pháp

Các chuyên gia đang cố gắng tìm ra câu trả lời EMS thực sự là gì bên cạnh những khái niệm chung chung như “đó là một loại vi khuẩn khiến tôm chết sớm hàng loạt”. Một số ý kiến cho rằng dịch bệnh xuất hiện do nguồn gốc con giống không đảm bảo, hoặc liên quan các vấn đề môi trường (như nồng độ muối, ao nuôi, mật độ thả…). Trong khi đó, nông dân cũng cố gắng tìm ra những mô hình nuôi kiểu mới, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nồng độ ôxy và nồng độ muối cao hơn, đồng thời tăng cường giám sát dịch bệnh trên diện rộng.

Sản lượng tôm của Thái Lan sụt giảm do EMS – Nguồn: Seafood Business

Mặc dù nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, nhưng tỷ lệ tôm chết vẫn còn tương đối cao. Ông Piriya Chuaypikroh, chủ trang trại nuôi tôm CPK cho biết, tỷ lệ sống sót của tôm ở đây là 30%. Trang trại này có tới 800.000 m2/12 ao nhưng chỉ có 5 ao đạt năng suất 200 – 300 tấn, giảm 600 tấn khi chưa có dịch bệnh EMS. Năm 2013, trang trại của CPK thua lỗ 20 triệu baht (615.574 USD) do dịch bệnh EMS. Mặc dù vậy, các hộ nuôi tôm vẫn đầy hi vọng vào sự phục hồi của ngành tôm trong năm nay nhờ vào việc sử dụng các mô hình nuôi kiểu mới. Các trại nuôi tôm tại Thái lan đang được giám sát 24 h/ngày, chi phí rất tốn kém. Do dịch bệnh EMS, nhiều công ty đã hợp nhất lại với nhau, những hộ nuôi độc lập bắt đầu chung tay với các nhà đầu tư lớn. Điển hình là sự gắn kết chặt chẽ với các tập đoàn lớn như C.P. Foods. C.P. có công nghệ tốt, thuốc đặc trị và thức ăn chăn nuôi – vốn dĩ đã chiếm 60% chi phí trong hoạt động nuôi tôm của nông dân. Bên cạnh đó, các cơ sở chế biến tôm thường xuyên đa dạng hóa danh mục sản phẩm, và chú trọng quá trình giá trị gia tăng, như Công ty CFF đã chuyển đổi sản xuất từ hàng hóa sang quá trình giá trị gia tăng. Hoặc Asia Group cũng chuyển sang đa dạng hóa sản phẩm và tập trung vào quá trình tái xuất cho khách hàng Nhật Bản để giảm áp lực cho ngành công nghiệp tôm. Thay vì phát triển thêm thương hiệu cho các sản phẩm tôm của mình, Công ty SeaWealth đã sản xuất thêm 1.200 tấn mực ống, mực nang; nhờ đó các nhà máy chế biến vẫn hoạt động hết công suất.

 

Lạc quan vào tương lai

Trong khi tiếp tục nghiên cứu về dịch bệnh EMS, cơ quan quản lý thủy sản Thái Lan cũng làm việc với các hộ nuôi tôm để cố gắng nhổ bỏ tận gốc dịch bệnh này. Theo các hộ nuôi, họ đã tiến hành đóng cửa các trang trại trong vùng bị nhiễm bệnh và chỉ cho trang trại hoạt động trở lại khi dịch bệnh đã bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nông dân 200 triệu baht (tương đương 6,2 triệu USD) nhập khẩu giống tôm sạch bệnh từ Hawaii. Nông dân đang trông chờ mùa mưa sắp tới để khôi phục hệ thống ao nuôi bị bỏ hoang do khô cạn. Điều này có thể tăng độ muối, và dịch bệnh EMS có thể giảm. Poj Aramwattananont, quản lý hãng thủy sản TFFA tin chắc Thái Lan sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhờ thực thi những giải pháp lâu dài, thích hợp và những mô hình nuôi hiệu quả. Từ đó sẽ sớm lấy lại vị thế của mình trên thị trường thế giới.

>> Sản lượng tôm Thái Lan năm 2013 khoảng 200.000 – 240.000 tấn, năm 2014 sẽ khoảng 350.000 tấn. Quý I/2014, tổng xuất khẩu và nhập khẩu tôm các loại (trừ tôm nước ngọt) của Thái Lan lần lượt là 28.598,4 tấn (trị giá gần 369,3 triệu USD); và 4.661,4 tấn (trị giá gần 41,13 triệu USD).

Tuấn Minh

Intrafish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!