(TSVN) – Để tăng hiệu quả sản xuất thủy sản, ngành nông nghiệp Hậu Giang đặt ra sẽ tăng 2.000 ha nuôi thủy sản, trong đó tập trung vào nuôi cá ruộng mùa lũ. Đây là mô hình tại những vùng không có điều kiện canh tác lúa vụ 3 vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân do chi phí đầu tư thấp.
Trong tháng 7/2023, Hậu Giang vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa vụ 3 kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, phát triển thêm khoảng 2.000 ha so với chỉ tiêu, nâng tổng chỉ tiêu phát triển diện tích nuôi thủy sản năm 2023 lên 11.100 ha. Nhờ đó, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Hậu Giang ước tính được 2.709,8 ha, tăng 4,66% (bằng 120,71 ha) so cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2023, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh ước tính được 7.912,11 ha, đạt 71,28% so kế hoạch năm và kế hoạch mở rộng diện tích nuôi thủy sản trên ruộng lúa, tăng 2,55% (bằng 196,97 ha) so cùng kỳ năm trước.
Thủy sản khai thác 7 tháng đầu năm tại Hậu Giang đạt 1.668,19 tấn. Ảnh minh họa.
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, dịch bệnh trên thủy sản ít xảy ra, mô hình nuôi luân canh trong ruộng lúa và nuôi lồng bè, bể bồn đem lại thêm thu nhập cho người dân. Đặc biệt là nhiều hộ mở rộng hoặc chuyển đổi diện tích từ diện tích đất vườn còn trống, diện tích nuôi chưa có hiệu quả sang nuôi các đối tượng thủy sản khác có giá trị kinh tế, phù hợp nhu cầu thị trường, tạo sản phẩm an toàn; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Tổng sản lượng thủy sản tháng 7/2023 ước được 3.752,19 tấn, tăng 13,85% (bằng 456,35 tấn) so cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản 7 tháng ước đạt 35.204,54 tấn, tăng 4,55% (bằng 1.533,04 tấn) so cùng kỳ, trong đó, thủy sản khai thác là 1.668,19 tấn, giảm 1,3% (bằng 21,91 tấn) so cùng kỳ. Do nguồn lợi thủy sản khai thác nội địa từ tự nhiên đang có chiều hướng giảm. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 7 tháng ước được 33.536,35 tấn, tăng 4,86% (bằng 1.554,95 tấn) so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá thát lát thu hoạch được 1.287,82 tấn, tăng 3,06% (bằng 38,19 tấn) so cùng kỳ; sản lượng lươn thu hoạch được 361,02 tấn, tăng 9,79% (bằng 32,19 tấn) so cùng kỳ. Hiện tại, hai sản phẩm này đang được người dân mở rộng diện tích vì đem lại thu nhập tương đối ổn định.
Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, mô hình nuôi cá ruộng vào mùa lũ tại những vùng không có điều kiện canh tác lúa vụ 3 vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân do chi phí đầu tư thấp (chủ yếu là con giống, còn nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng), đồng thời công chăm sóc cũng nhàn rỗi.
Cá ruộng ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, công làm đất sau mỗi vụ thu hoạch. Cùng với đó, ruộng lúa cung cấp rơm rạ mục, sâu bọ làm thức ăn cho cá nên tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn. Bên cạnh đó, cá sẽ ăn trứng ốc bươu vàng nên ốc không thể phát triển để hại lúa. sNgoài ra, việc ít phải sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa. Với lợi ích kinh kinh tế và môi trường đã được khẳng định qua thực tế tại địa phương giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn gấp 1,5 lần so với trồng lúa vụ 3.
Một số loại giống cá được nông dân Hậu Giang chọn thả nuôi trên ruộng là cá chép, cá mè, rô phi, cá trê lai, trê vàng. Trung bình 1.000 m2 đất ruộng sẽ được bà con thả nuôi từ 2 – 3 kg cá giống. Sau 4 tháng thả nuôi, nông dân sẽ tiến hành thu hoạch và năng suất bình quân đạt từ 50 – 60 kg cá thương phẩm/công ruộng.
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, trong mùa lũ năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đạt diện tích nuôi cá ruộng ở mức 7.500 ha, vượt 2.000 ha so với kế hoạch đầu năm. Về sản lượng phấn đấu đạt hơn 11.600 tấn cá thương phẩm, vượt gần 2.000 tấn cá so với kế hoạch đầu năm.
Để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi, Thú y – Thủy sản Hậu Giang khuyến cáo lịch mùa vụ nuôi thủy sản trên ruộng lúa: Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương và tình hình mực nước trên ruộng để điều chỉnh thời gian thả cá ruộng cho phù hợp. Trường hợp nước lũ thấp và đến muộn thì người dân nên ương dưỡng cá giống trong vèo lưới, ao, mương,… trước khi thả lên ruộng để rút ngắn thời gian nuôi và đảm bảo kích cỡ cá thương phẩm. Trước khi thả giống hộ nuôi cần lưu ý: Kết hợp nuôi nhiều đối tượng như cá lóc, cá trê vàng, cá rô đồng nuôi ghép với cá sặc rằn, rô phi, chép, mè,… nhằm đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tăng thu nhập cho người nuôi. Nên nuôi cá theo hình thức quảng canh cải tiến (có bổ sung thức ăn) nhằm tăng hiệu quả cho mô hình đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tươi sống sẵn có tại địa phương như ốc bươu vàng, cá tạp,… nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Thả cá giống có kích cỡ, khối lượng lớn để giảm tỷ lệ hao hụt và thu hoạch cá lớn bán được giá cao…
Anh Vũ