Hậu Giang: Vào vụ thu hoạch cá ruộng, giá bán giảm

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời điểm này, nhiều cánh đồng trong tỉnh Hậu Giang, bà con nông dân đã tổ chức thu hoạch cá ruộng để chuẩn bị cho vụ lúa Đông xuân. Năm nay nước thấp, cá chậm lớn, cùng với đó là giá bán không cao đã làm giảm nguồn thu nhập của bà con.

Năng suất, giá bán đều giảm

Gắn bó với nghề nuôi cá ruộng gần 10 năm nay, nhưng chưa có vụ cá nào ông Nguyễn Văn Năm, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, lại thu nhập thấp như năm nay. Với 4ha thả nuôi mọi năm đều cho năng suất hơn 3 tấn cá nhưng năm nay thu hoạch hết chỉ khoảng 2 tấn. Cùng với đó, giá bán giảm hơn mọi năm gần 2.000 đồng/kg, trừ hết chi phí vụ cá ruộng năm nay gia đình ông chỉ thu nhập 15 triệu đồng, thấp hơn gần 10 triệu đồng so với năm rồi. Ông Năm cho biết: “Năm nay ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên giá cá ruộng cũng giảm hơn mọi năm. Như năm rồi cá chép còn được 15.000 đồng/kg, cá mè 10.000 đồng/kg, nhưng năm nay cá chép chỉ có 13.000 đồng/kg, cá mè còn 9.000 đồng/kg, khi vào thu hoạch rộ nhiều khả năng giá sẽ còn giảm mạnh. Bởi các thương lái cho hay năm nay ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cá ruộng chủ yếu chỉ tiêu thụ nội địa, khó tiêu thụ ở các địa phương khác”.

Bên cạnh giá bán giảm thì năng suất cá năm nay cũng thấp nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do tác động của dịch bệnh, bà con đã chủ động giảm bớt từ 20 – 30% lượng cá giống khi thả nuôi. Bên cạnh đó nước về trễ, cá lên ruộng muộn hơn gần 1 tháng so với năm rồi. Thời gian thả nuôi ngắn nên trọng lượng cá trung bình vụ này chỉ từ 500 – 800 gram/con, năng suất bình quân chỉ đạt 600 kg/ha. Anh Nông Huỳnh Đức, ở thị trấn Cây Dương, cho biết: “Gia đình nuôi khoảng 1 ha cá ruộng, mọi năm trung bình thả khoảng 30 kg cá giống nhưng năm nay chỉ thả 20 kg nên từ đó sản lượng cá năm nay cũng thấp hơn mọi năm”.

thu hoạch cá ruộng

Người dân trong tỉnh thu hoạch vụ cá ruộng. Ảnh: T.Trúc

Năm nay huyện Phụng Hiệp thả nuôi được 3.250 ha cá ruộng, vượt 50 ha so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, bà con ở các địa phương trong huyện đã thu hoạch được gần 100 ha. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Giá cá năm nay thấp phụ thuộc vào sự biến động của thị trường. Còn năng suất cá giảm là do người dân chủ động giảm lượng cá giống thả nuôi và con nước về muộn. Thông thường vụ cá ruộng hàng năm có thời gian thả nuôi khoảng 4 tháng. Nhưng năm nay nước về muộn nên thời gian nuôi bị rút ngắn lại chỉ khoảng 3 tháng, bà con phải ương cá trong mùng lưới gần một tháng mới cho lên đồng nên trọng lượng bình quân của con cá ruộng năm nay giảm.

 

Dễ nuôi, chi phí thấp

Mặc dù thu nhập của người dân nuôi cá ruộng bị giảm, nhưng nhiều nông dân trong tỉnh vẫn chuộng sản xuất mô hình 2 lúa 1 cá thay vì làm 3 vụ lúa trong năm. Anh Nông Huỳnh Đức cho biết thêm: “Thu nhập từ con cá ruộng mấy năm nay đều giảm hơn so với trước đây, nhưng bà con vẫn chuộng hơn sản xuất lúa Thu đông. Bởi nuôi cá ruộng mùa nước nổi có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận tương đương đến cao hơn sản xuất lúa nhưng ít chịu tác động của thiên nhiên. Thu hoạch cá ruộng xong là gieo sạ vụ Đông xuân nên tiền bán cá ruộng cũng hỗ trợ phần nào cho việc thuê cơ giới trục đất, vệ sinh đồng ruộng và mua lúa giống cho vụ Đông xuân”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nhờ ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận đạt khá mà trong vài năm gần đây nuôi cá ruộng trở thành mô hình được nhiều hộ dân lựa chọn để thay thế sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả. Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết đã xây dựng nhiều mô hình nuôi cá ruộng theo hướng nâng cao giá trị tại các địa phương có điều kiện phát triển hình thức này, trong đó tập trung các đối tượng nuôi như cá rô đồng, cá lóc đồng, trê vàng…

Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên ruộng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất. Các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nổi, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Trung bình, người nông dân nuôi cá trên ruộng có thể tiết kiệm được trên 1 triệu đồng/ha tiền làm đất hay diệt các loại cỏ dại trong mùa nước.

Ông Trần Văn Xại, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Canh tác gần 10 công lúa nhưng năm nào gia đình cũng thả cá ruộng. Bởi sau 2 vụ lúa Đông xuân và Hè thu cần một thời gian để đất nghỉ và diệt các mầm bệnh trong quá trình sản xuất lúa nhằm giúp cho vụ Đông xuân tiếp theo đạt hiệu quả”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Nuôi cá ruộng mùa nước nổi ngoài hiệu quả về mặt kinh tế còn góp phần cải tạo đất. Bởi trong quá trình nuôi cá tìm mồi sẽ làm cho đất tơi xốp hơn và thải lại trong đất một lượng phân nhất định. Đến khi sản xuất vụ Đông xuân bà con sẽ hạn chế một lượng phân khá lớn, từ đó cũng giảm được chi phí trong quá trình sản xuất. Chính từ những lợi ích đó mà hàng năm huyện Phụng Hiệp đều duy trì diện tích nuôi cá ruộng khá lớn. Năng suất và giá bán thấp nên thu nhập của cá ruộng ở Phụng Hiệp năm nay chỉ đạt lợi nhuận khoảng 5 triệu đồng/ha, thấp hơn 2 triệu đồng/ha so với năm rồi. Tuy nhiên, xét tổng thể, đây vẫn là mô hình sản xuất mang lại lợi ích được nhiều nông hộ áp dụng vì phù hợp với tự nhiên.

T.Trúc – D.Khánh

Nguồn: Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!