Hệ lụy phát triển ồ ạt cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ cuối năm 2011, nhiều địa phương trong huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xôn xao chuyển dịch từ cây lúa sang ương cá tra giống, thu tiền tỷ. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, cá tra giống bắt đầu rơi vào khủng hoảng, nhiều nông dân ương cá tra giống quay quắt nợ nần.

Thất bại với cá

Chúng tôi tìm gặp ông Đoàn Văn Dễ (ấp 2, xã Mỹ Thành Bắc). Lão nông này đang lao đao vì chuyển từ trồng lúa sang ương cá tra giống, khi phong trào đào ao ương cá tra ở địa phương này phát triển mạnh. “Lứa cá tra giống đầu tiên thu hoạch, gia đình tôi lãi to vì giá bán cá tra giống thời điểm này tới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó thì giá cá tuột dốc không phanh, đến mức dưới giá thành sản xuất. Đó là chưa kể kỹ thuật ương cá không có, chủ yếu là truyền miệng từ những hộ nuôi trước; rồi nguồn nước ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan khiến cá chết trắng ao, phải kéo bỏ, coi như mất trắng. Giờ đây, vợ chồng tôi đang nghĩ chuyện lấp ao, bỏ nghề, vì nếu tiếp tục theo nghề này thì nợ nần ngày càng chồng chất”, ông Dễ nói.

Cũng tình cảnh này, ông Nguyễn Văn Việt (ấp 2, xã Thạnh Lộc) cho biết, hiện nay ở hai xã Thạnh Lộc và Mỹ Thành Bắc hầu như những hộ ương cá tra giống đang ôm nợ vì thua lỗ trong thời gian dài. Năm ngoái, hơn 100 ha đất vườn ruộng nơi này được người dân ồ ạt đào ao ươm cá tra giống; đến nay nhiều người phá sản, số còn lại sống trong cảnh thấp thỏm vì nợ ngân hàng.

Theo ông Việt, năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, giá cá tra giống tăng mạnh, có lúc 70.000 – 80.000 đồng/kg. Thời điểm đó, mỗi ha sau một vụ sản xuất, người nuôi lãi hàng tỷ đồng. Lúc bấy giờ, không riêng hai xã Mỹ Thành Bắc và Thạnh Lộc mà toàn huyện Cai Lậy, người có đất không làm thì cho thuê để người khác lập trại nuôi ươm. Khi nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu không tăng thì giá cá giống liên tục giảm. Hiện nay, cá tra giống chỉ khoảng 20.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ.

Nhiều người nuôi cá tra giống bỏ nghề vì nợ nần chồng chất – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, cuối năm 2011 đầu năm 2012, khi tình trạng ồ ạt ương cá tra giống ở các xã Thạnh Lộc, Hậu Mỹ Bắc A… của huyện Cai Lậy mới phát sinh, ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền địa phương đã vận động, khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chuyển từ trồng lúa sang ương cá tra giống, vì các địa phương này không được quy hoạch ương cá tra giống, cơ sở hạ tầng và nguồn nước không đảm bảo, nông dân chưa có kinh nghiệm ương nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn bất chấp khuyến cáo, tiến hành đào ao ương. “Đây là hậu quả nhãn tiền của những nông dân sản xuất chạy theo phong trào, không theo quy định của ngành chức năng, đem tài sản đánh cược với thị trường, đến khi hối thì đã muộn”, ông Hội nói.

 

Trở lại với cây lúa

Ông Phạm Văn Ngon, ngụ ấp 2, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy), trước đây đã chuyển từ trồng lúa sang ương cá tra giống nhưng giờ lại quay về với cây lúa. Cách đây hơn một năm, ông Ngon cũng chạy theo phong trào đào ao nuôi cá tra giống khi thấy người ta ương cá tra giống lãi lớn. Khi đó, ông quyết định đào 4 công đất trồng lúa năng suất cao mỗi năm 3 vụ thành ao nuôi cá tra giống. Tuy nhiên, từ đó đến nay ông Ngon chỉ ương được có 4 đợt cá tra giống; trong đó, hai vụ đầu cá chết sạch, còn 2 vụ sau thì chỉ một vụ có lãi, được 30 triệu đồng. Đó là chưa kể ông bị thương lái mua cá nợ 20 triệu đồng đến nay chưa trả. Kết quả, gia đình ông Ngon lỗ tới 240 triệu đồng chỉ sau 4 vụ ương cá tra giống. “Sau một thời gian đắn đo lợi hại, cuối cùng tôi đã phải đứt ruột bỏ ra 20 triệu đồng thuê cơ giới san lấp 4.000m2 ao nuôi cá tra giống để tái trồng lúa, dù trước đây chính tôi đã bỏ ra 50 triệu đồng để thuê cơ giới đào ao”, ông Ngon cho hay.

Ông Nguyễn Văn Sang (cùng xã Thạnh Lộc) cho biết, cách nay hơn 1 năm, gia đình ông cũng đào 3.000m2 đất lúa để ương cá tra giống. Sau 3 vụ ương cá tra giống, gia đình ông Sang lỗ hơn 150 triệu đồng, do giá cá giảm nhanh, dịch bệnh tăng, trong khi chi phí ương giống ngày càng cao. Để chấm dứt tình trạng thua lỗ, gia đình ông Sang dự định lấp ao để trở lại trồng lúa.

>> Hiện nay, nhiều hộ ương giống sợ lỗ, neo cá để chờ giá, nhưng lại nợ nặng hơn, do thời gian gần đây cá tra giống rất khó tiêu thụ nên họ phải nuôi cầm chừng. Tiền mua thức ăn hằng ngày là một khoản không nhỏ, trong khi giá cá tra giống vẫn giảm mỗi ngày.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!