T2, 06/07/2020 09:54

Hệ thống đăng kiểm tàu cá Việt Nam: Cần phải tổ chức, sắp xếp lại

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tàu cá là công cụ được sử dụng để khai thác thủy sản, song nếu không hợp lý, tàu cá cũng là tác nhân chủ yếu làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ thống lại việc đăng kiểm tàu cá đang là vấn đề cấp bách được đặt ra.

Điều kiện cần…

Hiện nay, tàu cá của nước ta đa phần thuộc loại nhỏ, đa dạng về chủng loại, loại nghề, nằm rải rác tại các cửa lạch, bãi ngang, các tuyến đảo. Phạm vi hoạt động của tàu cá tương đối rộng, không cố định về ngư trường và phụ thuộc vào mùa vụ. Ngoài một số tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ được đóng lắp trong vài năm gần đây, trang bị an toàn tối thiểu theo quy phạm, còn lại thì hầu hết vấn đề trang bị an toàn ít được quan tâm. Tình trạng máy cũ và máy bộ chiếm 90% tổng số tàu cá khai thác xa bờ, nên chất lượng máy chỉ chiếm khoảng 50-70%, gây khó khăn cho công tác kiểm tra kỹ thuật và khai thác không hiệu quả. Số tàu cá bị tai nạn về mặt kỹ thuật gia tăng, cụ thể: năm 2007 đã xảy ra 111 vụ tai nạn tàu cá liên quan đến kỹ thuật; năm 2008 xảy ra 121 vụ; năm 2009 xảy ra 153 vụ.

Bên cạnh đó, người quản lý, sử dụng tàu cá đa số là ngư dân nghèo, làm nghề chủ yếu theo kinh nghiệm, trình độ văn hoá thấp, ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế, chưa có nhận thức đầy đủ về trang bị các thiết bị an toàn trên tàu. Thực tế này đã được thấy rõ khi triển khai chương trình khai thác xa bờ. Một số người điều khiển tàu thuyền đánh bắt xa bờ do không nắm được các kiến thức chuyên môn về hàng hải, về sử dụng các trang thiết bị trên tàu, nếu không kể đến việc làm hư hỏng các trang thiết bị cũng không sử dụng được các trang thiết bị có sẵn và kết quả là không đem lại hiệu quả kinh tế như đã thấy.

Tàu cá nước ta hiện nay đa phần thuộc loại nhỏ, thô sơ            Ảnh: Huy Hùng

 

… nhưng chưa đủ

Xuất phát từ tính chất trên, ngày 26/3/1980 Chính phủ đã có Quyết định số 94/CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Nghị định số 203-CP ngày 19/11/1962 của Hội đồng Chính phủ về giao thông vận tải đường biển, trong đó giao cho ngành hải sản (thủy sản hiện nay) chịu trách nhiệm thống nhất quản lý về kỹ thuật, kiểm tra an toàn, đăng ký và cấp giấy phép đi lại cho các phương tiện có chiều dài đường nước thiết kế từ 20m trở xuống.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong những năm 1980, ngành thủy sản đã hình thành một hệ thống đăng kiểm tàu cá từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ gần 500 đăng kiểm viên đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho trên 45.000 tàu cá vào thời điểm đó.

Từ năm 1991, sau khi có Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức đăng kiểm tàu cá đã trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nên hệ thống Bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc này đã tạo điều kiện để nhanh chóng triển khai các quy định của Pháp lệnh, song với tính chất là cơ quan quản lý nhà nước đa ngành, không tách bạch giữa hành chính và kỹ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác đăng kiểm tàu cá. Cũng trong thời điểm này, với việc đổi mới phát triển kinh tế của đất nước, số lượng tàu cá ngày càng tăng, đặc biệt là sau khi có chủ trương phát triển tàu cá xa bờ. Chỉ tính trong vòng 10 năm, số lượng tàu cá toàn ngành đã tăng gấp đôi, từ 91.000 chiếc (năm 2001) đến nay đã là 129.379 tàu cá các loại, trong đó có khoảng 64.267 tàu cá thuộc diện đăng kiểm. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác đăng kiểm ngày càng giảm, do một số cán bộ chuyển sang làm nhiệm vụ quản lý hoặc về hưu, lực lượng bổ sung không có do chủ trương giảm biên chế của ngành thủy sản trước đây.

 

Thực tế khó khăn

Với tốc độ gia tăng về số lượng cũng như quy mô của đội tàu cá trong những năm gần đây, công tác đăng kiểm tàu cá cũng đã bộc lộ rõ những mặt hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, từ hệ thống tổ chức, con người đến cơ sở vật chất, từ khâu kỹ thuật thiết kế, kiểm tra đóng mới, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, cũng như các trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá, nhất là khối tàu lớn, khai thác hải sản xa bờ đến cơ chế chính sách quản lý tàu cá… điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển.

Do vậy, lực lượng đăng kiểm tàu cá hiện tại không tương xứng với nhiệm vụ được giao, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác đăng kiểm tàu cá, song số lượng tàu cá bị hư hỏng do các lỗi kỹ thuật vẫn có chiều hướng tăng. Các tàu cá xa bờ ngày càng được trang bị hiện đại và có xu hướng ngày càng đi xa, đòi hỏi chất lượng đăng kiểm phải được nâng lên. Thực tiễn cũng cho thấy, để đăng kiểm tốt tàu biển, ngành giao thông vận tải cũng đã có tổ chức đăng kiểm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt sớm hoàn thiện hệ thống thông tin tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó với các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ cứu nạn. Củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, có lộ trình phù hợp chuyển nhanh các tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới… phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành cơ khí tàu cá, các ngành sản xuất lưới sợi, ngư cụ phục vụ khai thác gắn với đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão, các khu hậu cần dịch vụ nghề cá ven biển và trên các hải đảo”. Để thực hiện được điều này, cần phải có một lực lượng đăng kiểm tàu cá có trình độ, chuyên môn cao.

>> Nhằm khắc phục những tồn tại, đảm bảo công tác đăng kiểm tàu cá đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành, cần tổ chức, sắp xếp lại công tác đăng kiểm tàu cá, từ việc tổ chức lại hệ thống, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực và sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn nghề cá.

Vũ Đình Thắng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!