Ứng dụng bảo quản lạnh trên tàu đánh bắt thủy hải sản xa bờ đặc biệt là những công nghệ bảo quản lạnh mới phù hợp với từng loại nghề khai thác, phù hợp với tập quán, điều kiện khai thác ngư dân của từng vùng miền là một vấn đề rất cấp bách hiện nay.
Công nghệ bảo quản
Lạnh ngâm hay còn gọi là công nghệ nước biển lạnh, là phương pháp sử dụng nước biển hoặc nước có pha thêm muối làm chất tải lạnh nhằm hạ nhiệt độ của thủy sản tới nhiệt độ mong muốn. Lạnh ngâm rất được khuyến khích sử dụng do khắc phục được nhược điểm của các công nghệ bảo quản hiện nay trên tàu đánh bắt xa bờ (chủ yếu sử dụng đá xay để bảo quản) đó là giúp hạ nhiệt độ thủy sản ngay sau quá trình đánh bắt từ đó hạn chế được tối đa các biến đổi của sản phẩm thủy sản về mặt chất lượng trước khi đưa xuống hầm bảo quản.
Lạnh ngâm thường được kết hợp với phương pháp bảo quản lạnh thấm, đây là phương pháp bảo quản lạnh giúp thủy sản duy trì được nhiệt độ ổn định trong hầm bảo quản sau khi thủy sản được hạ nhiệt độ theo phương pháp lạnh ngâm. Lạnh thấm là phương pháp sử dụng hầm bảo quản để truyền hơi lạnh qua đá xay từ đó giúp đá luôn ở thể rắn không bị tan chảy trong suốt quá trình bảo quản.
ThS Nguyễn Xuân Thi, Viện Nghiên cứu Hải sản đã nghiên thực hiện Đề tài “Nghiên cứu công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ” năm 2016, bước đầu đã xây dựng và lắp đặt thành công hệ thống lạnh hỗn hợp (lạnh ngâm kết hợp lạnh thấm) trên tàu lưới kéo BT 99567 TS của ông Bạch tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Những kết quả đạt được
Đề tài đã lắp đặt thành công hệ thống thiết bị ngâm hạ nhiệt độ thủy sản công suất 5 – 6 tấn/ngày (400 – 500 kg/mẻ), thời gian hạ nhiệt độ thủy sản ngay sau quá trình đánh bắt < 1 giờ/mẻ. Nhiệt độ tâm sản phẩm thủy sản sau khi ngâm hạ nhiệt độ đạt từ 0 – 10C.
Đề tài cũng đã lựa chọn 3 hầm trong tổng số 5 hầm bảo quản của tàu cá để cải tạo, lắp đặt hệ thống lạnh thấm (10 tấn/hầm). Hệ thống hầm bảo quản được cách nhiệt bằng vật liệu Poly Urethane, mặt trong hầm bằng composite với các dàn lạnh treo phía trên hầm để duy trì nhiệt độ bảo quản trong hầm từ 0 – 10C.
Cùng đó, thiết kế, chế tạo hệ thống lạnh hỗn hợp hoàn chỉnh (lạnh ngâm kết hợp với lạnh thấm) với công suất máy nén 15HP, dàn bay hơi gọn nhẹ, chiều dài đường ống nhỏ gọn, ổn định khi hoạt động trong điều kiện sóng gió và trong những chuyến biển dài ngày. Hệ thống lạnh hỗn hợp được vận hành tự động hóa, ổn định và hiệu quả. Máy nén được trích lực từ máy chính nên lượng tiêu hao nhiên liệu từ động cơ chính là không đáng kể.
Hệ thống ngâm hạ nhiệt giúp hạ nhiệt độ tâm sản phẩm thủy sản về 00C ngay sau quá trình đánh bắt, do đó cá khi về bờ có bề mặt sáng bóng, cơ thịt săn chắc, ít xuất hiện các biến đổi gây hư hỏng (cơ thịt dập nát, ươn hỏng, mùi ôi thối xuất hiện) và giá thành sản phẩm khi về bờ bán cao hơn giá sản phẩm của tàu đối chứng 4.000 – 16.000 đồng/kg.
Hầm bảo quản bằng vật liệu Poly Urethane (PU) đã làm tăng đáng kể thời gian giữ nhiệt của đá lên 1,3 – 1,5 lần so sử dụng xốp ghép truyền thống, hiệu suất sử dụng nước đá khi bảo quản tăng lên đến 95%. Ngoài ra, việc sử dụng hầm PU còn nâng cao đáng kể chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm so hầm truyền thống của ngư dân. Xây dựng thành công mô hình hệ thống lạnh hỗn hợp hoàn chỉnh (lạnh ngâm kết hợp lạnh thấm) phù hợp với các tập quán và điều kiện khai thác của ngư dân vùng biển Nam Trung bộ. Chất lượng sản phẩm thủy sản sau khi xây dựng theo mô hình về đến bờ tăng trên 30% so phương pháp bảo quản truyền thống của ngư dân. Doanh thu chuyến biển tăng lên 13 – 19% (doanh thu tăng thêm 100 – 120 triệu đồng/chuyến biển). Lượng nước đá mang theo giảm 55 – 60% (lượng nước đá bảo quản giảm đi 700 cây so phương pháp bảo quản truyền thống, tương ứng với tiết kiệm được trên 8 triệu đồng/chuyến biển).
Kết quả của việc xây dựng mô hình hệ thống lạnh hỗn hợp là một trong những cơ sở tạo ra sản phẩm thủy sản sau thu hoạch có chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản trong ngoài nước. Giúp kéo dài thời gian bám biển cho các tàu khai thác xa bờ tại tỉnh Bình Thuận, góp phần tích cực vào việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, đảo của Tổ quốc, gắn kết giữa nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng và an ninh. Đồng thời, khi mô hình được nhân rộng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy nghề khai thác thủy hải sản xa bờ tại địa phương ngày càng phát triển.