(TSVN) – Trong kỷ nguyên đề cao bền vững môi trường và du lịch trải nghiệm lên ngôi, những lĩnh vực tưởng chừng khác biệt nhau như nuôi thủy sản và du lịch ở Hi Lạp lại có thể kết hợp hiệu quả để gia tăng lợi nhuận.
Trong nền kinh tế xanh mà EU đặt ra với mục tiêu sử dụng bền vững nguồn lợi biển để phát triển kinh tế, thì cải thiện sinh kế và tạo việc làm là hai vấn đề tâm điểm. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế xanh là nuôi trồng thủy sản. Ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ ở những vùng biển nhờ nhiệt độ ổn định, tốc độ dòng chảy phù hợp, chất dinh dưỡng phân tán rộng và giảm ô nhiễm môi trường.
Hi Lạp đang đẩy mạnh mô hình nuôi biển kết hợp du lịch, qua đó gia tăng tính bền vững cho ngành NTTS và góp phần phát triển nền kinh tế xanh thịnh vượng. Ảnh: Savvas Chatzinikolaou
Trong khi đó, du lịch biển phát triển ở những khu vực tương tự cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế xanh. Đại dương mang lại nhiều cơ hội phát triển ngành du lịch giải trí như lặn biển, lướt sóng, hoặc những hải sản tươi ngon với giá trị to lớn, những bãi biển trong sạch thu hút khách du lịch. Nói ngắn gọn, nuôi trồng thủy sản có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, trong khi du lịch kích cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản.
Hi Lạp là một minh chứng điển hình cho sự kết hợp hiệu quả giữa du lịch và nuôi biển. Tại quốc gia này, 65% sản lượng thủy sản có nguồn gốc từ ngành nuôi trồng. Trên hòn đảo Rhode, Kameiros Skala một ngôi làng nhỏ nằm bờ tây đang tích cực xây dựng “liên minh” nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Khách du lịch tới thăm quan hòn đảo Strongyli đều ghé chân Lamar S.A, một trang trại nuôi 300 tấn cá chẽm (Dicentrarchus labrax), cá tráp đỏ (Sparus aurata), cá tráp đầu vàng (Sparus aurata) và cá đù (Argyrosomus regius) phục vụ thị trường địa phương. Bắt tay với trung tâm dịch vụ lặn biển, trang trại Lamar S.A cũng cung cấp các chuyến đi trải nghiệm thực tế tại cơ sở nuôi cá. Dịch vụ này bao gồm hướng dẫn viên chuyên nghiệp sẽ giúp du khách tìm hiểu cặn kẽ về mô hình nuôi, mối quan hệ giữa nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Sau chuyến tham quan trải nghiệm mô hình, du khách được lặn biển và bơi cùng cá ngừ, cá heo, hải cẩu quanh trang trại.
Du khách đến đảo Strongyli được bơi cùng cá vược, cá tráp đỏ, cá tráp đầu vàng và cá đù nuôi tại các trang trại địa phương. Ảnh; Savvas Chatzinikolaou
Savvas Chatzinikolaou, Giám đốc Lamar S.A cho biết, trang trại của chúng tôi tái tạo hệ sinh thái tự nhiên độc đáo với vô vàn sinh vật sống và mong muốn khách du lịch tới ngắm nhìn thành quả đó. Mô hình này không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn nhiều viện nghiên cứu và các trường đại học.
Anastasios Baltadakis, chuyên gia tư vấn nghiên cứu và phát triển nuôi trồng thủy sản tại Lamar S.A cho biết, trang trại nằm ở khu vực hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi như tốc độ dòng chảy và sóng đủ mạnh để loại bỏ chất thải và vật chất hữu cơ, tạo ra cơ chế phân tán tự nhiên và thu hút nhiều loại cá từ tất cả các tầng nước. Bờ tây hòn đảo Rhodes cũng là khu vực Natura 2000, một phần của mạng lưới những khu vực được bảo vệ ở châu Âu. Mọi hoạt động gây xáo trộn tự nhiên do con người gây ra đều được giảm thiểu. Đó cũng là lý do khu vực này sở hữu một hệ sinh thái đa dạng và phong phú.
Hiện châu Âu cũng đang chú trọng tăng cường sản xuất thủy sản kết hợp phát triển du lịch, Lamars S.A trở thành tiên phong và là minh chứng cho thấy hai ngành khác nhau này có thể cộng sinh để tăng lợi ích kinh tế cũng như môi trường. Ngoài ra, Lamar SA cũng hợp tác với trung tâm nghiên cứu biển Hellenic để thu thập dữ liệu về chất lượng nước xung quanh trang trại. Những dữ liệu này được kết hợp vào chương trình quản lý nuôi trồng thủy sản và chia sẻ miễn phí với các viện nghiên cứu và trường đại học. Các thông số như độ mặn, nồng độ ôxy hòa tan, nhiệt độ, độ trong của nước và tốc độ dòng chảy, hướng dòng chảy được theo dõi hàng giờ, cùng với chỉ số chlorophyll, phốtpho và nitơ.
Kết hợp nuôi biển và du lịch giúp quản lý trang trại tốt hơn, đồng thời cải thiện quản lý vùng ven biển và các phương pháp tiếp cận hệ sinh thái. Ảnh: Savvas Chatzinikolaou
Baltadakis cho biết, do trang trại quy mô nhỏ nên phải đa dạng hóa dịch vụ ngoài nuôi cá để kiếm thêm lời. Một trong số đó là du lịch trải nghiệm, và hỗ trợ sinh viên ngành thủy sản có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi cá, cùng đó chia sẻ dữ liệu trại nuôi và khu vực biển với các trường đại học. Qua những dịch vụ này, chúng tôi góp phần vào ngành nuôi trồng thủy sản bền vững và môi trường biển nói chung theo chiến lược tăng trưởng xanh của EU.
Kastelorizo, một trại nuôi cá chẽm và cá tráp nổi tiếng ở Hi Lạp, gần đảo Patroklos thuộc vùng vịnh Saronic cũng học theo mô hình nuôi biển kết hợp du lịch và hợp tác với một trung tâm lặn biển. Chủ trang trại cho biết, để phát triển mô hình này, trại nuôi phải có ý thức bảo vệ môi trường và liên tục giám sát các thông số môi trường để bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên. Kastelorizo đang sử dụng phần mềm của công ty viễn thông Wings ICT Solutions gồm các camera và cảm biến để tối ưu hóa điều kiện nuôi, bảo đảm sức khỏe cho cá và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.
Theo Tundi Agardy, Giám đốc điều hành tổ chức chính sách bảo tồn biển Sound Seas tại bang Washington D.C, Mỹ, các chuyến tham quan trải nghiệm mô hình nuôi biển giúp du khách hiểu rõ hơn về nguồn gốc thực phẩm. Ngoài ra, du lịch cũng góp phần kích cầu thủy sản với tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, hải sản phục vụ khách du lịch được lấy từ trại cá địa phương sẽ tươi ngon hơn, ít chi phí môi trường hơn và hỗ trợ sinh kế địa phương. Cô cho biết thêm, các chuyến đi trải nghiệm nghề khai thác tôm hùm bông Punta Allen ở Mexico giúp quảng bá sản phẩm ở các khu nghỉ dưỡng gần đó và góp phần nâng cao giá bán tôm hùm.
Khách hàng từng tham gia chuyến đi trải nghiệm của Lamar S.A đều nhìn nhận ngành nuôi trồng thủy sản một cách tích cực hơn. Tohsei Ishimoto, giáo sư tại trường Đại học Kokugakuin ở Tokyo, Nhật Bản là một trong số những khách du lịch tới thăm mô hình nuôi cá của Lamar S.A. Được tìm hiểu nghề nuôi cá biển và tận mắt chiêm ngưỡng hệ sinh thái biển độc đáo, ông khẳng định mô hình du lịch và nuôi biển đã nâng cao đáng kể nhận thức về nuôi trồng thủy sản và thay đổi quan điểm về đại dương cũng như các nguồn tài nguyên biển.
Chatzinikolaou và Baltadakis tại hòn đảo Rhodes đang đặt mục tiêu biến trang trại nuôi cá thành khu bảo tồn biển mini nhằm mang lại lợi ích sinh thái và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề nuôi biển và du lịch.
Tuấn Minh
(Theo Advocate)