Đó là chủ đề của Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức tại TP Rạch Giá. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam dự và chỉ đạo.
Diễn đàn thu hút 280 đại biểu tham dự, trong đó gần 200 ngư dân là chủ tàu đến từ các tỉnh, thành phía Nam. Khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá đánh bắt xa bờ hiện nay là rất cần thiết. Hiện nay, nghề cá của Việt Nam đang đứng thứ 20 thế giới về sản lượng, thứ 4 về xuất khẩu. Thế nhưng, 90% đội tàu đánh bắt được đóng bằng gỗ, thiết kế theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ và lao động thủ công là chính, công nghệ bảo quản lạc hậu nên thất thoát sau thu hoạch rất lớn, chất lượng kém. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho ngư dân hiện đại hóa tàu cá để đánh bắt xa bờ, đổi mới công nghệ bảo quản, hướng vào đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao… Nghị định 67 của Chính phủ ra đời nhằm giúp ngư dân có điều kiện tốt để thực hiện điều này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cũng đánh giá cao vai trò kinh tế biển với sự phát triển của địa phương. Kiên Giang có ngư trường rộng lớn 63.000 km2, hơn 200 km bờ biển, nhiều đảo rất thuận lợi cho phát triển nghề cá, trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, ngư dân khai thác hiện nay vẫn theo phương thức nhỏ lẻ, hậu cần nghề cá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hầu hết tàu cá của ngư dân hiện nay là tàu vỏ gỗ, quy mô nhỏ
Còn TS Dương Minh Chuẩn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nghề cá Việt Nam hiện nay như: tàu nhỏ, lao động thủ công, cơ giới hóa rất thấp, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của ngư dân kém, an toàn tính mạng, tài sản chưa được coi trọng do ngại đầu tư, thời gian đi biển dài ngày nhưng thu nhập thấp, quản lý nhà nước về nghề biển còn bất cập. Năng suất khai thác không ổn định, chuyến no, chuyến đói. Theo đó, việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào tàu cá sẽ mang lại những lợi ích rất lớn cho ngư dân.
Tại diễn đàn, ngư dân đã trao đổi, đặt ra rất nhiều câu hỏi liên quan đến chích sách hỗ trợ nhằm hiện đại hóa tàu cá cần các nhà quản lý, nhà khoa học giải đáp. Trong đó, tâm điểm là việc tiếp cận các chính sách gặp rất nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ. Chẳng hạn như Nghị định 67 hiện nay, dù đã qua gần một năm triển khai nhưng rất ít ngư dân tiếp cận được nguồn vốn. Ngư dân cũng yều cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ thực hiện các mô hình làm hầm bảo quản cá trên tàu, các thiết bị điện tử đi biển để ngư dân tiếp cận, học kinh nghiệm và tự đầu tư thực hiện khi thấy có hiệu quả.