Hiên ngang Trường Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Cuối cùng thì nỗi khát khao mãnh liệt được một lần đặt chân lên phần lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc, mảnh đất bao đời sừng sững, hiên ngang giữa mênh mông sóng nước đã trở thành hiện thực… Trường Sa. Nơi đó luôn có những người con kiên trung, vượt bao khó khăn gian khổ, ngày đêm nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hơi ấm đất liền…

Khởi hành từ cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), sau một hành trình dài trên biển cùng con tàu HQ – 957 của Lữ đoàn 125 hai lần anh hùng LLVTND, tiền thân là Đoàn tàu Không số huyền thoại rẽ sóng ra khơi, chúng tôi đã có mặt ở Trường Sa thân yêu. “Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” – lệnh báo thức vang lên trong các khoang tàu, các thành viên của đoàn công tác bật dậy, khẩn trương làm vệ sinh cá nhân rồi thu dọn hành lý để chuẩn bị lên đảo. Con tàu rúc lên những hồi còi dài rồi nhanh chóng cập vào cầu cảng đảo Trường Sa Lớn. Hừng đông bắt đầu ló dạng ở phía tít tắp chân trời, quét một vệt sáng vàng xuống mặt biển lung linh, rồi dần chiếu sáng lên toàn bộ bề mặt hòn đảo. Lại bắt đầu một ngày mới giữa mênh mông biển khơi, ngắm bình minh đang lên dần, cảm xúc vỡ òa khó diễn đạt bằng lời, đâu đó có nhiều tiếng cùng thốt lên: “Đẹp quá”, “huyền diệu quá”, “lung linh qúa”…  

 

Giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Đoàn công tác chúng tôi lần lượt bước chân lên đảo, cán bộ, chiến sỹ cùng người dân trên đảo xếp hàng dài chỉnh tề đón khách quý từ đất liền với gương mặt háo hức và nụ cười hồn hậu trên môi. Trung tá Lã Tuấn Quang, Chỉ huy trưởng đảo, gương mặt sạm vì nắng gió hồ hởi nắm chặt tay từng người: “Biết tin đoàn công tác ra thăm đảo chúng tôi mừng lắm, anh em thao thức cả đêm mong cho trời sáng. Nhiều bà con hôm nay cũng nghỉ đánh bắt cá để tham gia cùng cán bộ, chiến sỹ đón khách…”. Trường Sa Lớn – trung tâm huyện lỵ Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam hiển hiện trước mắt chúng tôi vững chãi, hiên ngang và rợp bóng cây xanh. Thời tiết ở vùng biển đảo thật lạ, mới sáng sớm mà ánh mặt trời đã chói chang, lưng áo đẫm mồ hôi, từng tốp người tíu tít thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ, từ chuyện ăn ngủ, sinh hoạt, đến rèn luyện, chiến đấu… Chiến sỹ Trần Minh Hậu, 22 tuổi, người TP. Hồ Chí Minh, ra đảo công tác đã hơn 9 tháng tâm sự: “Điều kiện cuộc sống, sinh hoạt ngoài đảo tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đã ngày càng tốt hơn các anh ạ, các chế độ đều đảm bảo, lương thực, thực phẩm chủ yếu đưa từ đất liền ra, chúng tôi chăn nuôi, đánh bắt cá và trồng thêm rau xanh để nâng cao chất lượng bữa ăn. Không như các đảo chìm, trên đảo Trường Sa Lớn có giếng nước nên thoải mái tắm giặt, sinh hoạt, tưới rau…”. Hậu cho biết thêm, điều kiện gia đình em rất khó khăn, thương mẹ, nhớ mẹ, Hậu quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu lập nhiều thành tích để mẹ vui lòng. Ước mơ của em là dành dụm được ít tiền để sau này về học đại học.

 

Chiến sỹ đảo Phan Vinh chăm sóc vườn rau xanh. 

Dưới những tán bàng vuông, phong ba xanh ngát đang mùa đơm bông, đoàn chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thắm tình quân dân với cán bộ, chiến sỹ đang công tác, chiến đấu trên quần đảo Trường Sa. Cũng như chiến sỹ Hậu ở đảo Trường Sa Lớn, tất cả cán bộ, chiến sỹ có mặt ở các đảo Ðá Lát, Ðá Tây, Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh, An Bang nơi chúng tôi đến thăm đều có chung một ý chí sắt đá, là không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chuẩn úy Nguyễn Văn Hoài, 28 tuổi, quê ở Hải Phòng, ra công tác tại đảo Tốc Tan chia sẻ: “Đã làm lính đảo thì khỏi bàn đến chuyện ý thức, lập trường tư tưởng, tất cả đều tốt hết, ai cũng yên tâm công tác, chiến đấu. Đất nước ngày càng phát triển, các chế độ, chính sách cho lính đảo cũng từng bước được cải thiện hơn. Điều mà chúng tôi thiếu thốn nhất chính là tình cảm, là hơi ấm từ đất liền, mỗi lần có tàu ra, có các đoàn đến thăm, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, vợi bớt nỗi nhớ quê nhà, người thân, để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ấm lòng lắm…”. Chuẩn úy Hoài đã có người yêu ở quê, được hỏi đã quyết định xây dựng gia đình chưa, khi nào thì tổ chức? Hoài cười toét miệng: “Điều kiện thông tin ở đảo bây giờ không như trước, ở đâu cũng phủ sóng di động rồi, lâu lâu em có điện về hỏi thăm cô ấy…”

Đảo này là của ta, biển này là của ta…

Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý và nguồn dầu khí với trữ lượng lớn. Quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ, bảo vệ sườn phía đông của đất nước. Quần đảo Trường Sa từ lâu là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ căn cứ khoa học về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp và tập quán, thông lệ quốc tế. Đại tá Đinh Gia Thật, Phó Chủ nhiệm Chính trị – Quân chủng Hải quân cho biết về quá trình xây dựng và trưởng thành của quần đảo Trường Sa trong mấy chục năm gần đây: Hơn 30 năm qua, với phương châm “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân công tác tại quần đảo Trường Sa đã có nhiều cố gắng để xây dựng các đảo “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”. Đặc biệt từ khi được “tiếp sức” từ đất liền và nhất là phong trào “Trường Sa vì cả nước, cả nước hướng về Trường Sa”, quần đảo phên giậu của Tổ quốc ngày càng được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện hơn…   


Trần Ngọc Sáu – người con của quê hương Quảng Bình đang tập hát cho các công dân nhí của Trường Sa.  

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của mình với Trường Sa, với Tổ quốc, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ ở đây đã kiên cường bám trụ. Dù đối mặt với phong ba, bão táp và nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa, hay sự khiêu khích của các thế lực thù địch, các anh vẫn luôn phát huy cao độ phẩm chất, lý tưởng của “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, giữ lấy sự bình yên cho vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đảng viên trẻ mới được kết nạp Nguyễn Văn Triêm, quê Tiền Hải – Thái Bình, trắc thủ số 1 của kíp rađa trên đảo Trường Sa Lớn, có thành tích 38 lần phát hiện máy bay lạ hoạt động trong khu vực tâm sự: “Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đối với chúng tôi không chỉ là mệnh lệnh cao nhất cấp trên giao phó, mà còn là mệnh lệnh của con tim”. Chuẩn úy Nguyễn Văn Học, 26 tuổi, quê ở Nghệ An mới ra đảo Ðá Lát, khẳng định: Chúng tôi luôn xác định ra Trường Sa là môi trường để rèn luyện, không sợ hy sinh gian khổ. Không những sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn tổ chức tăng gia, trồng rau, bắt cá… gắn bó với biển đảo, dù trong điều kiện khắc nghiệt nhất.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tĩnh, Ðảo trưởng đảo Ðá Tây nói, công việc hàng ngày của người lính trên các đảo rất bận rộn. Ngoài tuần tra bảo vệ biển, đảo và vùng trời biên cương Tổ quốc, xây dựng các hòn đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn, lính ở Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng nữa là giúp đỡ, cứu nạn ngư dân trong bão tố và khi gặp nạn trên biển. Qua những công việc này, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rất nhiều… 

Tình đồng hương giữa nắng gió Trường Sa

Tìm hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi thêm hiểu và thêm yêu những con người nơi đây, trong đó có những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình “hai giỏi”. Trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, gian khổ, cuộc sống vật chất và tinh thần thiếu thốn, các anh vẫn bình dị, hồn nhiên, tươi trẻ, rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành.

Tại cụm 1, đảo Trường Sa Lớn, đang loay hoay chọn góc chụp ảnh chợt nghe trọ trẹ: “Có ai người Quảng Bình trong đoàn công tác không”. Bắt gặp tiếng giọng nói quê hương giữa điệp trùng Trường Sa, quay ngoắt lại phía sau lưng tôi bắt gặp một gương mặt sạm đen đang tươi cười. “Em là Trần Ngọc Sáu, người Lộc Thủy – Lệ Thủy đây, gặp đồng hương mừng quá..”. Hai anh em tách đoàn để tiện bề tâm sự. Tôi thông tin cho Sáu biết tình hình ở quê nhà, em kể chuyện về điều kiện cuộc sống sinh hoạt, công tác ở biển đảo, rồi cả chuyện tình yêu của em với cô sinh viên Trường Viễn thông Quảng Nam… câu chuyện như không có hồi kết. “Trung úy Trần Ngọc Sáu đã có thâm niên công tác 45 tháng ở Trường Sa, là một cán bộ rất năng nổ, gương mẫu, luôn được cán bộ chiến sỹ tin yêu” – đồng chí Chỉ huy Cụm 1 nhận xét về cán bộ của mình. “Đi anh, em đưa đi gặp đồng hương Quảng Bình trên đảo, không thì các anh ở đây lại trách em tội là “dấu” gặp đồng hương một mình”.

Đồng hương Quảng Bình ở đảo Trường Sa Lớn có gần chục người, với sự sốt sắng của Sáu, tôi may mắn được gặp và trò chuyện với hầu hết các anh, để rồi không dấu được niềm tự hào, bởi dù công tác, chiến đấu ở bộ phận nào ở đảo, trong thời gian bao lâu, những đồng hương “hai giỏi” đều phát huy được truyền thống anh hùng của quê hương, tất thảy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được chỉ huy giao, nhiều anh đã được cấp trên khen thưởng. Đó là, thiếu tá Trần Văn Lương, 39 tuổi, Cụm phó cụm 2, quê Quảng Văn, Quảng Trạch; thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, 49 tuổi, đơn vị Bảo đảm kỹ thuật sân bay, quê Liên Thủy – Lệ Thủy; thiếu tá Ngô Duy Hóa, 46 tuổi, quê Mỹ Thủy – Lệ Thủy; chuẩn úy Trần Đức Mạnh, 24 tuổi, quê Tiến Hóa – Tuyên Hóa… Trò chuyện với tôi, Trần Đức Mạnh bùi ngùi: “Em ra đảo từ tháng 7-2009, được mấy tháng thì ba mất nhưng vì nhiệm vụ không về được, chắc ba cũng xá lỗi cho. Bây giờ ở nhà chỉ còn một mình mẹ thôi”. Không chỉ ở đảo Trường Sa Lớn, tôi còn gặp được nhiều gương mặt sạm đen vì nắng gió của những người con ưu tú của Quảng Bình trên đảo Phan Vinh, An Bang… Do thời gian quá hạn hẹp, tàu dừng lại ở các đảo nhỏ không được bao lâu, nên giờ chia tay đã đến mà những người đồng hương vẫn quyến luyến không muốn rời nhau. Thiếu tá Lê Quang Thanh, Chỉ huy phó đảo Phan Vinh, quê Tân Thủy – Lệ Thủy vội đi lấy mấy vỏ ốc cùng con hải sâm anh mới ngâm dúi vội cho đồng hương làm kỷ niệm. Khi tôi hỏi về đón tết trên đảo trường Sa, chuẩn úy Trần Đức Mạnh, 24 tuổi, quê Tiến Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình khoe: “Chúng em có tất cả, chẳng thiếu thứ gì anh à. Quà Tết từ đất liền gửi ra từ bánh chưng, mứt gừng, mai, đào, tranh ảnh. Thậm chí chúng em còn thi nhau làm hoa từ những cành san hô và giấy màu cho thêm phần “long trọng” nữa đấy. Dù xa nhà nhưng chúng em thấy ấm lòng lắm…”.

Tạm biệt Trường Sa thân yêu, tạm biệt những người con hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió để giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, tôi thầm cầu chúc cho các anh luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng cao cả nơi đầu sóng ngọn gió.

Quần đảo Trường Sa có hơn 100 đảo và bãi san hô, trong đó có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000 km2. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm có dạng hình vành khăn hay elíp được bao quanh bởi các thềm san hô nước nông, ra khỏi thềm san hô, nước biển sâu đột ngột từ vài trăm đến vài ba nghìn mét. Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình (hiện Đài Loan chiếm giữ) có diện tích 0,6 km2, tiếp theo các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, diện tích từ 0,1- 0,2 km2. Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông, cách Cam Ranh (Khánh Hoà) 248 hải lý, cách biển của Malaysia khoảng 250 hải lý, cách biển của Phlippines khoảng 210 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 900 hải lý. Quần đảo án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, là một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập thứ hai thế giới.

Tuấn Phùng


 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!