Môi trường nuôi trồng thủy sản ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi và biến đổi khí hậu gây ra. Tìm hiểu về các yếu tố cần thiết cho vật nuôi từ đó tìm ra giải pháp khắc phục là vô cùng bức thiết.
Các yếu tố môi trường
Có rất nhiều yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật thủy sản, như: Yếu tố lý học (nhiệt độ, màu sắc, độ trong…); Yếu tố hóa học (pH, ôxy hòa tan (DO)), độ mặn, độ cứng, COD, BOD, CO2, H2S, kim loại nặng…); muối dinh dưỡng (NH4+, NO3, PO43-, chất hữu cơ…).
Những yếu tố chính liên quan đến phát triển của động vật thủy sản: nhiệt độ, pH, DO, độ mặn… Các yếu tố ô nhiễm gây độc: COD, NH3, NO2, H2S, kim loại nặng…
Nhiệt độ: Động vật thủy sản là nhóm động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể của chúng chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt độ nước (môi trường sống). Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều không thuận lợi cho đời sống của động vật thủy sản. Nếu nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến động vật thủy sản chết thậm chí chết hàng loạt, mỗi một loài động vật thủy sản có ngưỡng nhiệt độ khác nhau. Khi nhiệt độ nước giảm xuống 13 – 140C, rét kéo dài có thể làm chết tôm càng xanh. Nhiệt độ dưới 60C hoặc trên 420C làm cá rô phi chết. Khi nhiệt độ nước trong ao là 350C tỷ lệ sống của tôm sú là 100%, nhưng ở nhiệt độ 37,50C tỷ lệ tôm sống 60%, nhiệt độ 400C tỷ lệ là 40%. Một số động vật bò sát: ba ba, rùa, lưỡng thể, ếch ở miền Bắc mùa đông chúng hoàn toàn ngừng hoạt động, không ăn và nằm trú đông.
DO trong nước rất cần thiết cho đời sống của động vật thủy sản. Nhu cầu ôxy phụ thuộc vào từng loài, từng giai đoạn phát triển, trạng thái sinh lý, nhiệt độ. Nhu cầu DO trong nước tối thiểu của cá là 3 mg/l, với tôm là 5 mg/l. Trường hợp DO thấp hơn mức gây chết kéo dài làm cho động vật thủy sản bị sốc, ảnh hưởng xấu đến tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát dục của chúng. Giới hạn gây chết của DO cho tôm sú và tôm thẻ chân trắng giống là 1,17 – 1,21 mg/l (Seidman và Lawrence, 1985).
H2S sinh ra do phân hủy các chất hữu cơ có chứa lưu huỳnh do vi sinh vật, đặc biệt trong điều kiện yếm khí. Khí độc H2S ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm phụ thuộc và pH của nước, nếu pH thấp H2S sẽ rất độc. Nồng độ H2S trong ao nuôi cho phép là 0,02 mg/l. Ví dụ, tôm thẻ chân trắng mất thăng bằng khi H2S là 0,1 – 0,2 mg/l và chết khi H2S là 0,4 mg/l. Các khu vực nuôi thâm canh có nhiều ao nuôi nền đáy không tẩy dọn sạch hàm lượng H2S trong nước ao nuôi đặc biệt là đáy ao có mùi thối của H2S, đây là một trong những nguyên nhân gây cho động vật thủy sản bị sốc và làm chúng có thể chết.
Nuôi giàn treo là một phương thức hạn chế ô nhiễm môi trường – Ảnh: Huy Hùng
Hiện trạng
Hiện, nuôi trồng thủy sản đang gặp phải rất nhiều các vấn đề về môi trường: tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi ở mức đáng báo động. Liên tục trong các tháng đầu năm 2016, tình trạng tôm cá, nhuyễn thể chết ở khắp các tỉnh trên cả nước gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong đó, ô nhiễm nguồn nước chủ yếu do các chất thải của các khu sinh hoạt thành phố, dân cư, khu công nghiệp, khu nông nghiệp… và do chính hoạt động nuôi trồng thủy sản đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Ví dụ, khu nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh là mối nguy gây ô nhiễm môi trường nếu không thực hiện đúng quy trình xử lý chất thải. Bởi, nó tạo ra một lượng lớn chất thải trong ao nuôi và xả môi trường xung quanh gây nên những hậu quả nặng nề.
Trong tương lai của Việt Nam, nếu không áp dụng đúng luật định về môi trường sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho môi trường chung của Việt Nam và ngành nuôi trồng thủy sản nói riêng. Nhất là hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino và La Nina đang diễn biến ngày một phức tạp, thời tiết bất ổn thất thường gây ảnh hưởng đến động vật thủy sản. Ô nhiễm độc hại từ các khu định cư, khu công nghiệp, nông nghiệp khi ngày càng phát triển mạnh và hệ quả của chúng sẽ thải ra nhiều chất thải gây nguy hiểm cho nuôi trồng thủy sản và cho cả sức khỏe của con người.
Tác động
Vài năm trở lại đây, nhiều vùng trên cả nước đã ghi nhận liên tiếp các trường hợp cá nuôi chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho ngành thủy sản. Nguyên nhân của hầu hết các vụ việc được xác nhận là do tình trạng ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng; đặc biệt là ảnh hưởng từ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước thải công nghiệp là nước bị ô nhiễm do các hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của con người. Các nguồn ô nhiễm nguồn nước trong phạm vi từ các ngành công nghiệp sắt thép cho đến các đơn vị chế biến thực phẩm. Nước làm mát được sử dụng trong ngành công nghiệp sắt và thép bị ô nhiễm với các sản phẩm như cyanide và ammonia. Trong hầm mỏ và mỏ đá, bùn của các hạt đá là chất gây ô nhiễm chính của nước. Trong ngành công nghiệp hóa chất hữu cơ, nước bị ô nhiễm bởi các dung môi, chất làm sạch, và các sản phẩm tẩy rửa. Việc xử lý nước thải công nghiệp cũng xả ra những chất gây ô nhiễm bao gồm chì, ammonia, dung môi… đều gây hại cho người và động vật thủy sản. Một phần lớn của nước thải công nghiệp bao gồm các dấu vết dầu mỡ. Những chất thải như chì, NH3, cyanide, bùn… là những chất độc làm cho nguồn nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng và làm hại trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sống của động vật thủy sản.
Giải pháp
Chấp hành nghiêm luật định môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường nuôi trồng thủy sản nói riêng. Việt Nam đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải tích cực tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc người dân và người nước ngoài sống ở Việt Nam thực hiện đúng luật định về môi trường. Đồng thời, tiến hành sửa đổi Luật Môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó là việc mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chung của cả nước. Trong lĩnh vực nuôi trồng, tiến hành nuôi theo các hình thức có trách nhiệm với môi trường, xã hội và các phương thức nuôi cải tiến, hạn chế và xử lý hợp lý các chất thải trong nuôi trồng thủy sản ra môi trường.
Hiện nay, các phương thức nuôi giúp hạn chế ô nhiễm môi trường nuôi như nuôi theo VietGAP, nuôi kín trong ao đầm và nuôi hở ở lồng bè, giàn treo, nuôi nhuyễn thể, rong biển bãi triều. Nuôi kín chúng ta phải có ao lắng, ao lọc để cung cấp trước khi nuôi trồng thủy sản; sau khi nuôi có ao xử lý chất thải đảm bảo an toàn về môi trường trước khi thải ra bên ngoài; áp dụng nuôi bền vững, an toàn sinh học. Nuôi hở có quy hoạch cụ thể đảm bảo những vùng an toàn về môi trường, thường xuyên quan trắc môi trường thông báo cho người nuôi tại vùng đó; người nuôi trồng thủy sản thả mật độ an toàn toàn sinh học…
>> Để phát triển bền vững, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản. Đặc biệt nâng cao năng lực thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định. |