T3, 30/11/2021 09:05

Hiệu quả mô hình cộng đồng giám sát IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc gỡ bỏ “thẻ vàng” của EU và vì mục tiêu phát triển bền vững nguồn lợi hải sản của Việt Nam, Bình Thuận đã triển khai Dự án: “Tăng cường vai trò và kết nối các nguồn lực cộng đồng trong giám sát thực thi pháp luật về lĩnh vực khai thác hải sản, hỗ trợ thúc đẩy việc thực hiện IUU”.

Được triển khai từ tháng 9/2020 – 9/2021, Dự án do Hội nghề cá Việt Nam – Đơn vị thực hiện là Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản (FITES) và Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận triển khai theo hỗ trợ của “Chương trình tài trợ các dự án nhỏ – Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDPGEF\SGP)”; triển khai tại xã Tân thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Nâng cao vai trò của ngư dân

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc khai thác IUU, Dự án được thực hiện nhằm nâng cao vai trò của ngư dân trong việc hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát thực thi Luật Thủy sản; giảm thiểu hoạt động khai thác IUU. Đồng thời, thúc đẩy hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về thực hiện các quy định IUU và tăng cường sự tham gia của cộng đồng người dân trong giám sát thực thi pháp luật về thủy sản tại Việt Nam. Từ đó, chia sẻ bài học kinh nghiệm, duy trì và nhân rộng mô hình “Cộng đồng tham gia giám sát IUU” cho các địa phương khác.

Trong Dự án này, ngư dân đóng vai trò chính yếu, trực tiếp theo dõi hoạt động đánh bắt IUU; là lực lượng hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý vi phạm; UBND xã sẽ đóng vai trò hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng; xử lý vi phạm trên bờ trong thẩm quyền; hỗ trợ các cơ chế, chính sách; Lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng sẽ hỗ trợ xử lý các vụ việc vi phạm IUU tại cảng cá và trên biển. Các lực lượng phối hợp hành động theo thông tin được tiếp nhận trên đường dây nóng; thực thi nhiệm vụ theo quy chế đã phân công và quy trình đã được các bên ký kết từ đầu.

Kết quả bước đầu

Sau một thời gian Dự án đi vào hoạt động, đội giám sát IUU cộng đồng đã phát huy được vai trò trong xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời cũng phát huy vai trò tích cực trong thực thi Luật Thủy sản.

Nhờ đó, Trạm Kiểm ngư đã tiếp nhận hơn 50 thông tin vi phạm; xử lý 20 vụ (cào nhám, kích điện, không có giấy tờ…). Trạm Biên phòng Mũi Điện tiếp nhận 12 thông tin; tổ chức 35 đợt tuần tra trên biển/73 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia; xử lý 5 vụ; các vụ việc vi phạm bao gồm các hành vi sử dụng điện để khai thác hải sản, tàng trữ ngư cụ cấm khai thác (cào nhám) 2 vụ/2 tàu cá; hoạt động sai với giấy phép khai thác hải sản 2 vụ/2 tàu cá; 1 vụ/1 tàu cá nghi vấn xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.

Ngoài ra, UBND xã Tân Thuận kết hợp cùng đội giám sát IUU cộng đồng tổ chức 1 đợt ra quân xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá hoạt động nghề cào nhám tập kết, mua bán và vận chuyển sản phẩm trên địa bàn. Đội giám sát cũng tổ chức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở tại gia đình các đối tượng hoạt động nghề cấm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Dự án cho thấy còn nhiều thách thức như năng lực điều hành hoạt động của đội còn hạn chế; hoạt động rời rạc, chưa gắn kết được tất cả thành viên; trang thiết bị, phương tiện, kinh phí để ngăn chặn vi phạm còn thiếu thốn; đối tượng vi phạm sẵn sàng dùng vũ lực chống đối, thách thức đội giám sát; nhiều ngư dân trong đội vẫn còn e sợ các thành phần chống đối, trả thù…

Hiệu quả bước đầu của mô hình này không chỉ giúp cộng đồng nâng cao trách nhiệm, chung tay cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần quan trọng vào việc chống khai thác IUU, giúp ngành thủy sản Việt Nam sớm đạt mục tiêu gỡ được “thẻ vàng” của EC.

Sao Mai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!