(Thủy sản Việt Nam) – Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) ở các vùng biển, đảo và ven biển là một trong 6 nhiệm vụ chủ yếu của Đề án 52. Trong giai đoạn này, Ban Quản lý Đề án 52 đã triển khai những hoạt động cơ bản để thực hiện mục tiêu trên có hiệu quả.
Phát triển đội lưu động
Tổ chức đội lưu động y tế – KHHGĐ tuyến huyện là một trong các nhiệm vụ và hoạt động của Đề án 52. Năm vừa qua, những đội tuyên truyền lưu động qua quá trình thử nghiệm được đánh giá là rất hiệu quả.
Tính đến tháng 5/2010, tổng số trong 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương đã thành lập đượcc 138 đội lưu động. 20 tỉnh, thành phố đã thành lập đủ các đội lưu động cho các huyện thuộc địa bàn Đề án 52 (chiếm 71,4%). Các thành viên tham gia đội lưu động là các cán bộ được lựa chọn từ các Trung tâm DS – KHHGĐ, bệnh viện huyện (chủ yếu từ Khoa sản của bệnh viện huyện), Trung tâm Y tế huyện và một số Trạm Y tế xã trong Đề án, với tổng số 1.041 người tham gia (trung bình 8 người/đội lưu động), trong đó, Phú Yên là 4 người, Nam Định là 15 người. Hoạt động của các đội lưu động đạt hiệu quả rất cao, đã có 62.774 bà mẹ mang thai được khám thai định kỳ; 432.990 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được khám phụ khoa và các dịch vụ KHHGĐ. Trong đó 86% các dịch vụ được thực hiện tại Trạm Y tế xã và 14% được thực hiện tại các xe lưu động; 31.102 trẻ em của 7 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Yên) được khám kiểm tra sức khỏe và điều trị các bệnh thông thường.
Để duy trì và phát triển đội lưu động, Ban Quản lý Đề án 52 cũng xác định nguồn kinh phí phải dựa vào kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và KHHGĐ và các nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp của địa phương.
Để thực hiện Đề án 52, truyền thông tực tiếp tới ngư dân là cực kỳ quan trọng Ảnh: Huy Hùng
Ưu tiên truyền thông trực tiếp
Nhận thấy tầm quan trọng trong công tác truyền thông góp phần thực hiện mục tiêu của Đề án 52, Tổng cục Dân số – Bộ Y tế thực hiện chiến dịch ưu tiên truyền thông trực tiếp, lực lượng chủ đạo là cộng tác viên, đội lưu động. Hiện, đã có 2391 cán bộ chuyên trách, trên 160 cộng tác viên cơ sở, chưa kể đến đội ngũ các tuyên truyền viên của các tổ chức chính trị xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… tham gia. Các chiến dịch truyền thông được triển khai đồng bộ, thường xuyên vận động, truyền thông, giáo dục, tư vấn nhằm tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội để góp phần thực hiện chính sách Dân số và KHHGĐ. Dựa trên phương thức kêu gọi sự tham gia và ủng hộ của các tổ chức chính trị xã hội nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội.
Không những vậy, Tổng cục Dân số cũng xác định rõ mục tiêu tuyên truyền đối với từng địa bàn cụ thể. Đẩy mạnh thực hiện KHHGĐ để giảm nhanh mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đối với địa bàn có mức sinh cao, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS. Đối với địa bàn tiệm cận mức sinh thay thế, nhưng có mức sinh chưa ổn định thì cần tiếp tục thực hiện KHHGĐ và nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, duy trì ổn định mức sinh thay thế và từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể lực, trí tuệ, tinh thần, đặc biệt là cho đối tượng vị thành niên và thanh niên, nhằm chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để phát huy tối đa lợi thế, cơ hội “cơ cấu dân số vàng” phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đối với địa bàn đã đạt mức sinh thay thế, duy trì vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng dân số. Để tuyên truyền có hiệu quả, Tổng cục Dân số còn thực hiện phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản Việt Nam, báo Gia đình & Xã hội, Tạp chí Thủy Sản Việt Nam…
Nhìn chung, phát triển đội lưu động và ưu tiên hình thức truyền thông trực tiếp là hai chiến lược hoạt động cơ bản nhằm phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng, nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, SKSS, KHHGĐ… góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án trong giai đoạn I (2009 – 2015).
Ông Phạm Hồng Quân – Phó giám đốc Ban Quản lý Đề án 52 cho biết: Các mục tiêu cụ thể Đề án 52 được Tổng cục Dân số đề ra đến năm 2015 là Quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 34 triệu người; Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 72%; Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ CSSK bà mẹ, trẻ em, chăm sóc SKSS, KHHGĐ đạt 80%; Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, di tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5%…
Giang Nam