Hòa Bình: Phát triển nuôi cá lồng hướng đến xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với lợi thế về hệ thống sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng, bè của tỉnh Hòa Bình phát triển mạnh, bước đầu tạo liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu hướng đến xuất khẩu.

Rộng tiềm năng

Hòa Bình có hơn 500 hồ thủy lợi, đặc biệt hồ thủy điện Hòa Bình dài trên 80 km, diện tích 10.084 ha mặt nước, vừa phục vụ sản xuất điện năng, điều tiết tưới tiêu khu vực Đồng bằng sông Hồng, vận chuyển đường thủy, còn tạo cảnh quan du lịch, bảo tồn nguồn lợi cho 94 loài, phân loài thủy sản bản địa và di nhập. Đây cũng là tiềm năng rất lớn phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn với các loài cá chủ lực như: lăng, trắm đen, bỗng, rô phi, điêu hồng… hướng đến xuất khẩu.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình cho biết: Để khai thác tiềm năng lợi thế, tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình như: Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 – 2020; Quyết Định số 10/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND.  Đồng thời đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư nuôi trồng thủy sản, đến nay đã có 4,7 nghìn lồng, tương đương 329 nghìn m3 lồng, bè nuôi, sản lượng trên 4 nghìn tấn, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho trên 2.000 lao động. Đưa sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 11 nghìn tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 2,4% năm 2015 đến nay đạt trên 6,2%/năm trong cơ cấu ngành nông, lâm thủy sản.

Phát triển nuôi cá lồng

Ảnh minh họa

Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.700 ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; phát triển được 4.700 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Sản lượng cá ước đạt 7,7 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác 1,4 nghìn tấn, nuôi trồng đạt 6,3 nghìn tấn. Hiện, toàn tỉnh có 33 trang trại và HTX nuôi trồng thủy sản, trong đó 10 cơ sở chuyên nuôi thủy sản, 23 cơ sở hoạt động nông nghiệp kết hợp nuôi trồng thủy sản). Với kết quả đạt được, giá trị sản xuất ngành thủy sản trong 9 tháng năm nay (theo giá so sánh) ước đạt 214 tỷ đồng, vượt 6,3% so cùng kỳ, đạt 79,36% kế hoạch năm.

Liên kết sản xuất

Để tạo thuận lợi và đảm bảo bao tiêu sản phẩm nông nghiệp năm 2018,  UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt đề án “Xây dựng và phát triên sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm” giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến năm 2025. Giai đoạn I từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ thực hiện xây dựng và phát triển15 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, xây dựng và phát triển 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP).

Hiện có 20 cơ sở nuôi lồng bè, có quy mô trên 20 lồng/cơ sở, 4 cơ sở nuôi trên 100 lồng, một số doanh nghiệp đã ký kết liên kết với các hộ dân nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP; liên kết sản xuất, tiêu thụ cá Sông Đà tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tương ứng khoảng 800 lồng nuôi. Điển hình như Tập đoàn Mavin đang triển khai dự án nuôi cá điêu hồng và rô phi ứng dụng công nghệ cao 24 lồng tròn với thể tích (2.000 m3/lồng)/100 ha mặt nước với sản lượng dự kiến trong thời gian tới khoảng 5 nghìn tấn/năm, giai đoạn tiếp theo xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu và trung tâm giống chất lượng cao cho khu vực. Nhãn hiệu Cá, Tôm Sông Đà Hòa Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là điều kiện phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Vương Đắc Hùng cho biết: Để phát triển nuôi cá lồng trong giai đoạn tới, chúng tôi tập trung vào đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ nuôi lồng, bè, hình thành các hợp tác xã nghề cá liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ trong và ngoài tỉnh hướng sản phẩm ra thị trường khu vực và thế giới; mở rộng quy mô nuôi lồng, bè nuôi trên các thủy vực; lựa chọn và phát triển đối tượng nuôi chủ lực theo đề án tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiện đã có 2 sản phẩm cá phi lê là cá lăng và cá rô phi đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm OCOP, trong thời gian tới phấn đấu có từ 4 – 6 sản phẩm cá nuôi lồng, bè đạt OCOP.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!