Hóa giải thách thức môi trường nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nuôi tôm vẫn phát triển không ngừng sau nhiều biến động thăng trầm, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của ngành này cũng đặt ra thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường.

Tác động

Ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề nóng rất được dư luận quan tâm. Với ưu thế năng suất cao, lại có nhiều cơ chế chính sách đãi ngộ nên nhiều hộ nông dân lựa chọn mô hình nuôi tôm siêu thâm canh là “chiến lược” phát triển kinh tế gia đình. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018 Bạc Liêu có 13 công ty, doanh nghiệp, 2 đơn vị sự nghiệp và 342 hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên tổng diện tích đất là 1.845 ha, diện tích mặt nước nuôi 185,22 ha, với 1.575 ao/hồ nuôi. Với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này, đến tháng 6/2021, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh đã vượt qua con số 2.000 ha, với sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/năm và còn tiếp tục tăng.

Cùng với sự tăng đột biến của diện tích nuôi tôm siêu thâm canh là nỗi lo về ô nhiễm môi trường. Vấn đề giải quyết nước thải và chất thải từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang là một thách thức không nhỏ, nhất là khi kinh phí đầu tư mô hình xử lý nước thải cao, nhiều hộ nuôi cố tình né tránh, không thực hiện. Đa số các hộ nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường, dẫn đến các tuyến kênh trong khu vực có hộ nuôi tôm siêu thâm canh bị ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước của các hộ nuôi tôm xung quanh.

Ảnh: MAP

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây suy thoái môi trường nuôi. Trước hết là do việc quy hoạch vùng nuôi những năm qua có nhiều bất cập. Nhiều vùng nuôi được đầu tư xây dựng rất lớn, có đầy đủ hệ thống cống, mương cấp thoát nước, ao chứa, ao lắng… nhưng do quy hoạch không phù hợp với thực tế nên không hoạt động được. Hoặc cũng có những vùng nuôi tôm khác trong hệ thống ao đầm nuôi tôm suốt từ Bắc vào Nam đa số đều xây dựng tự phát, không được thiết kế dựa trên quy hoạch có trước.

Đặc biệt, trong quá trình nuôi tôm, một lượng lớn nước thải và chất thải rắn trong ao nuôi tôm không được xử lý mà thải trực tiếp vào vùng nước ven bờ; mặc dù mức độ ô nhiễm trong nuôi tôm không lớn so với chất thải công nghiệp và đô thị nhưng nó thải ra với số lượng quá lớn có chứa các chất dinh dưỡng và vi sinh vật làm giảm sức tải môi trường vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất phòng bệnh và xử lý môi trường không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong NTTS cũng là nguy cơ rất nguy hiểm. Thuốc và hóa chất tích tụ trong đáy ao và lắng đọng trầm tích vùng ven bờ gây ra suy thoái hô hấp đất trong ao và suy giảm hệ sinh thái ven bờ.

Giải pháp

Ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm đang có xu hướng gia tăng và là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam, cần được tập trung giải quyết, xử lý triệt để thì mới có thể đảm bảo được sự phát triển bền vững của ngành tôm. Chấp hành nghiêm luật định môi trường là giải pháp lâu dài và bền vững cho môi trường nói chung và môi trường NTTS nói riêng. Ở Việt Nam đã có Luật Môi trường, các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn về môi trường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải tích cực tuyên truyền, kiểm tra đôn đốc người dân và người nước ngoài sống ở Việt Nam thực hiện đúng luật định về môi trường. Đồng thời, tiến hành sửa đổi Luật Môi trường cho phù hợp với tình hình thực tế trong lĩnh vực NTTS.

Việc xử lý chất thải rắn, chất thải phát sinh trong NTTS phải được thu gom, xử lý triệt để bằng các biện pháp thích hợp. Đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật về chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, canh tác trong khu vực.

Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường chung của cả nước. Theo đó, các chủ cơ sở cần nâng cao ý thức chấp hành, sự hiểu biết của mình về pháp luật quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, về công nghệ nuôi ít gây ảnh hưởng đến môi trường (nuôi luân canh, nuôi kết hợp, sử dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nước…), phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm, việc thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường định kỳ…

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!