Hoàn toàn chủ động nguồn tôm giống bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Ninh (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về công tác lai tạo và gia hóa tôm bố mẹ.

ông nguyễn hữu ninh viện trưởng viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản IIIHiện nay, công tác lai tạo và gia hóa tôm bố mẹ của Việt Nam được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản đã đầu tư các chương trình để gia hóa, chọn giống và phát triển tôm bố mẹ thẻ chân trắng. Đến nay, đã chọn tạo được đàn tôm sinh trưởng nhanh tương đương các đàn tôm nhập nội, trong khi sức sống của tôm chọn giống lại tốt hơn. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đang tiếp tục thực hiện chương trình chọn giống đàn tôm chân trắng nhằm tạo đàn tôm giống tốt trong thời gian tới.

Mặc dù đã xác định và chọn tạo được đàn tôm chân trắng phù hợp với điều kiện Việt Nam; tuy nhiên, việc đưa ra sản xuất cần thực hiện theo quy trình quản lý về giống tôm. Cụ thể là gửi hồ sơ đăng ký chứng nhận giống mới đối với đàn tôm nghiên cứu, xin chuyển đàn tôm bố mẹ đến các cơ sở sản xuất giống để thử nghiệm rộng rãi. Tuy nhiên vẫn phải chờ kết quả để thực hiện tiếp.

 

Dự kiến đến khi nào Việt Nam sẽ chủ động được nguồn tôm bố mẹ và đáp ứng khoảng bao nhiêu nhu cầu sản xuất trong nước?

Thực tế, đến nay chúng ta hoàn toàn chủ động được đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ trong nước chất lượng tốt, tuy nhiên để doanh nghiệp và cơ sở sản xuất giống chấp nhận, sử dụng lại gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ sở sản xuất giống, doanh nghiệp lớn vẫn có xu hướng nhập nội tôm bố mẹ để thương mại con giống tốt hơn; do tâm lý người nuôi vẫn thích “hàng ngoại nhập”. Ngoài ra, tư duy và cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu đối với thị trường và sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, đến nay Việt Nam có thể đáp ứng 100% nhu cầu tôm bố mẹ trong nước, nhưng chưa thuyết phục được các doanh nghiệp đưa vào sản xuất. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng rõ ràng hơn về nhu cầu thực tế đầu ra và quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất tôm giống; cùng đó, cần có cách tiếp cận rõ ràng.

 

Theo ông, cần làm gì để tôm bố mẹ của Việt Nam sớm ra thị trường?

Các viện nghiên cứu, cụ thể là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III vẫn tiếp tục chương trình chọn giống nhằm nâng cao chất lượng đàn tôm. Tuy nhiên, để có thể phát triển và sử dụng đàn tôm thì cần có cách tiếp cận với sản xuất. Đồng thời, thay đổi cơ chế quản lý nhà nước về lĩnh vực giống cả trong nước và nhập nội cho phù hợp với điều kiện thực tế để có được sự tương đồng giữa tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm bố mẹ của Việt Nam.

Cụ thể, về việc quản lý giống: Hiện, quản lý giống tôm nhập nội chỉ thông qua kiểm dịch, kiểm tra mầm bệnh, cân khối lượng tôm bố mẹ, kiểm tra hồ sơ xuất xứ; tuy nhiên không có đánh giá về chất lượng (ví dụ về sinh trưởng và sức sống) của đàn tôm. Trong khi, đối với đàn tôm bố mẹ nghiên cứu và sản xuất trong nước muốn được công nhận giống thì phải kết thúc đề tài, chương trình nghiên cứu tối thiểu 3 năm, sau đó có hội đồng để xem xét đánh giá thì mới được công nhận giống để lưu hành; ít nhất là 4 năm. Như vậy mất quá nhiều thời gian để tôm bố mẹ Việt Nam có thể ra thị trường.

Gia Phong (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!