Hỏi: Cua biển nuôi được 1 tháng, mang và vỏ có các đốm đen. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Huỳnh Văn Dương, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo mô tả, cua bị sán lá đơn chủ ký sinh gây hoại tử mang cua; đây sẽ là cơ hội để các tác nhân như nấm, vi khuẩn dạng sợi tấn công mang cua. Khi bị bệnh mang cua có những đốm đen, các tơ và áo mang chuyển màu đen một thời gian mang có mùi rất tanh, thối từng phần cho tới toàn bộ mang cua. Thân cua bị bệnh phần vỏ ngoài có các đốm đen, sau đó gây mù mắt. Bệnh xuất hiện cả giai đoạn cua con và cua trưởng thành. Sau khi mắc bệnh cua bỏ ăn, gây yếu, hô hấp kém nằm im không hoạt động. Trị bệnh bằng phương pháp tắm cho cua bằng Formol với nồng độ 16 – 30 ml/m3 nước trong 15 – 20 phút, có sục khí, thời gian điều trị 6 – 8 ngày. Phòng bệnh bằng cách định kỳ sử dụng vôi bột liều lượng 2 – 3 kg/100 m2 và đặc biệt là sau mưa lớn.
Hỏi: Sau mưa, nước rất đục, độ trong dưới 10 cm; điều này có ảnh hưởng gì đến tôm nuôi và biện pháp khắc phục? (Trương Văn Toàn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Sau khi mưa, ao bị đục là do bùn đất bị nước mưa rửa trôi xuống ao nuôi, không gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôm mà gây nên những ảnh hưởng gián tiếp khác. Độ đục làm cản trở sự phát triển của tảo, cản trở quá trình hô hấp của tôm nuôi và hạn chế ôxy hòa tan vào nước.
Để tránh hiện tượng này cần gia cố bờ ao chắc chắn hoặc phủ bạt quanh bờ để chống rửa trôi xuống ao nuôi. Ngoài ra, có thể đào rãnh thoát nước xung quanh hệ thống ao tôm để tránh rửa trôi bùn dất từ các vùng xung quanh. Xử lý độ đục bằng các chất keo tụ như phèn nhôm và thạch cao. Tuy nhiên, độ đục có thể trở lại nếu nguồn gây đục không được kiểm soát. Phương pháp tốt nhất là loại bỏ các nguồn gây đục và chỉ dùng phèn nhôm nếu độ đục vẫn còn.