Hỏi: Ao nuôi tôm được 15 ngày, pH tăng lên đến 9 vào buổi sáng và 9,5 vào buổi chiều. Xin cho hỏi cách xử lý? Huỳnh Trọng Ngân ( xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thới, tỉnh Cà Mau)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Trong ao nuôi tôm pH thích hợp trong khoảng 7,8 – 8,5. Khi pH > 9 thì NH4– chuyển thành dạng NH3 gây độc cho tôm nuôi. pH tăng do tảo phát triển nhiều, khi quang hợp hấp thụ nhiều CO2 làm tăng pH. Ao nuôi 15 ngày mà pH tăng cao chứng tỏ khâu cải tạo, chuẩn bị ao nuôi không tốt. Để pH ổn định cần đảm bảo chất lượng nước và kiểm soát sự phát triển của tảo.
Xử lý: Có thể thay thế một phần nước để giảm mật độ tảo trong ao nuôi. Sau đó, sử dụng mật rỉ đường hoặc chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước.
Hỏi: Địa phương tôi nuôi tôm 1 – 2 vụ, những vụ còn lại tôi muốn nuôi cá, vậy xin hỏi đối tượng nuôi phù hợp? Ngô Minh Khánh ( xã Tân Phú, huyện Tân Phù Đổng, tỉnh Tiền Giang)
Trả lời:
Hiện, mô hình nuôi xen canh 1 – 2 vụ tôm, 1 vụ cá đang được áp dụng tại rất nhiều địa phương. Cá được đưa vào nuôi xen canh thường là những loài cá có tính ăn lọc, ăn tạp chủ yếu là cá rô phi, ngoài ra còn một số loài cá khác như cá đối, cá chim vây vàng… Các loài cá này ăn tôm chết trong ao, đồng thời trong quá trình nuôi sẽ cải thiện môi trường ao. Nuôi xen canh tôm, cá làm đa dạng quần thể sinh vật trong ao nuôi, chất lượng nước ổn định, tuần hoàn vật chất thuận lợi. Vì vậy, áp dụng mô hình nuôi này, tôm, cá nuôi đều phát triển tốt, giảm bớt rủi ro trong nuôi tôm, tỷ lệ thành công của vụ nuôi tôm sẽ cao hơn.
Hỏi: Muốn quy hoạch diện tích bỏ hoang thành diện tích ao nuôi cần phải làm từ đâu và phải chọn đối tượng như thế nào cho phù hợp? Nguyễn Khánh Trình (SĐT: 0978.637.1380978.637.138, tỉnh Nghệ An)
Trả lời:
Muốn quy hoạch diện tích bỏ hoang thành diện tích ao nuôi thì việc đầu tiên phải kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa tại đó như thế nào, có phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của động vật thủy sinh hay không. Tiếp theo, cần tính đến vị trí địa lý, xem có gần đường giao thông, đường điện, nguồn nước cấp, đường nước thoát… có thuận tiện không. Nếu có điều kiện thuận lợi thì cần thiết kế, cải tạo, xây dựng hệ thống ao tùy theo quy mô đầu tư sản xuất.
Chọn được đối tượng phù hợp là việc hết sức quan trọng. Theo đó, cần chọn các đối tượng có đặc điểm sinh học, tập tính thích sống có phù hợp với điều kiện chăm sóc và các yếu tố thủy lý thủy hóa của môi trường nước.
Hỏi: Tôi muốn hỏi cá chép lai dòng V1 hiện đã được chọn đưa vào nuôi thương phẩm và hiệu quả ra sao? Trần Văn Côi (xã Hải Cương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Hiện nay, người dân thường lựa chọn cá chép dòng V1 vào nuôi thương phẩm, với ưu điểm ít bị bệnh, tốc độ tăng trưởng vượt trội so với giống cá chép truyền thống, chống chịu bệnh tốt, lớn nhanh và có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường khắc nghiệt, chất lượng thịt thơm ngon và có giá thành cao hơn các loài cá khác. Sau 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng trung bình 0,6 – 0,8 kg/con.
Hiện, cá chép được nuôi theo hai hình thức là nuôi đơn và nuôi ghép với một số loài cá khác. Nếu so sách hiệu quả mô hình nuôi cá chép V1 làm chính với các mô hình nuôi trồng thủy sản khác thì hiệu quả kinh tế cao mà không yêu cầu quá khắt khe về mặt kỹ thuật.