Hỏi: Xin hỏi phương pháp ương giống một số loại cá biển? (Phan Trung Thành, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Ương giống cá biển thường được thực hiện bằng 1 trong 2 phương pháp là ương trong ao đất hoặc trong lồng. Để ương trong ao đất, sử dụng ao có diện tích 100 – 2.000 m2; mật độ 15 – 30 con/m2. Trong quá trình ương, sử dụng bột cá, bột đậu nành, chế phẩm sinh học nuôi ấu trùng rotifer, copepoda làm thức ăn cho cá giống. Thực tế cho thấy, ương theo hình thức này cá thường bị nhiễm ký sinh trùng hoặc giun sán. Vì vậy, cần cải tạo, diệt tạp, tẩy trùng ao kỹ trước khi ương.
Ương cá giống trong lồng nổi, thường sử dụng các lồng có kích thước mắt lưới nhỏ; phương pháp này giúp cá thích nghi tốt với môi trường trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Mật độ ương 30 – 50 con/m3, tiến hành phân cỡ 1 tuần/lần. Thời gian ương trong lồng thường kéo dài 3 – 4 tuần, đến khi cá đạt cỡ 18 – 20 cm/con.
Hỏi: Nước ao nuôi có màu xanh đậm, pH buổi sáng 7,8 và buổi chiều là 8,5. Hỏi có ảnh hưởng gì đến tôm nuôi? (Lê Trung Tín, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Nước có màu xanh đậm trong ao nuôi tôm là do sự phát triển quá mức của tảo. Khi đó tảo sẽ cạnh tranh hàm lượng ôxy hòa tan với tôm trong ao nuôi. Để giảm mật độ tảo có thể thay khoảng 30% nước trong ao hoặc sử dụng một số chế phẩm sinh học như TA Gold, Rhodo, Pro BCS… với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Trong quá trình nuôi tôm, độ chênh pH trong ngày khoảng 0,3 là thích hợp. Trường hợp này, độ pH chênh đến 0,7 dễ gây sốc cho tôm. Nguyên nhân khiến pH giao động trong ngày lớn là độ kiềm thấp. Để tăng độ kiềm, ổn định pH cần hòa tan 2 – 3 kg đường cát/1.000 m2 và tạt đều ao vào lúc 9 – 10 giờ sáng. Chạy cánh quạt, sục khí liên tục trong vài giờ sau quá trình xử lý.