Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 6 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Quy trình biofloc có thể diệt khuẩn được không và diệt bằng thuốc gì? (Nguyễn Quang Hải, ĐT: 01963108 757)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Biofloc là các cụm kết dính gồm vi khuẩn, tảo và động vật nguyên sinh với mảnh vụn và các hạt hữu cơ chết. Sục khí giữ cho Biofloc lơ lửng trong nước ao. Đây là yêu cầu chính để tối đa hóa khả năng các quá trình hoạt động của vi khuẩn trong ao nuôi tôm. Biofloc lơ lửng cũng là nguồn thức ăn sẵn có cho tôm, được tạo nên bởi các loại thức ăn bổ sung (cám ủ, rỉ đường, khoáng) bón vào nước để duy trì tỷ lệ carbon/nitơ là 1/(12 – 15). Biofloc vừa có tác dụng làm giảm hệ số thức ăn vừa tạo hệ vi sinh có lợi trong môi trường nước giúp hạn chế dịch bệnh phát triển, nuôi tôm theo hướng an toàn, không sử dụng hóa chất và chất kháng sinh, giúp phát triển bền vững. Để tạo nên và duy trì được các cụm floc trong nước là không dễ dàng, do vậy bạn không nên diệt khuẩn ở mô hình này.

 

Hỏi: Làm thế nào để buộc càng ghẹ khi vận chuyển? (Trần Thị Thu Thảo – Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Để sản phẩm ghẹ tươi sống nguyên con đến tận tay người tiêu dùng (không bị rụng chân càng) với giá bán cao thì việc buộc càng ghẹ rất quan trọng. Ở nước ngoài, sau khi đánh bắt được họ có thiết bị chuyên dụng để cố định phần càng kẹp ngay lại. Ở nước ta, thường dùng dây trói để cố định càng ghẹ, gồm các loại: dây nhựa, đay, cói…

Thực hiện như sau: dùng các đầu ngón chân phải đè lên mai, ép ghẹ xuống nền đất, cầm hai đầu dây (đã xoắn chặt) đặt ngang phía trước mai ghẹ rồi vòng qua hai càng và cuộn chặt lại (phần càng kẹp), tiếp đó vòng hai đầu dây sang hai bên mai, thít chặt hai càng và buộc lại phía sau mai. Sau khi buộc càng, ghẹ vẫn có thể bò bình thường bằng chân nên sống được lâu hơn. Dây buộc còn có tác dụng giữ ẩm, giúp ghẹ sống được trong thời gian 4 – 6 ngày.

 

Hỏi: Hồ nuôi lươn bằng xi măng, vỉ tre, lươn bị xuất huyết (toàn thân màu đỏ sẫm, xuất huyết mang) chết hàng loạt. Xin hỏi lươn bị bệnh gì và chữa trị như thế nào? (Nguyễn Minh Phúc – TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Theo mô tả thì lươn nhà bạn đã bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn Aeromonas hydrphila gây ra. Lươn mắc bệnh này thường bỏ ăn, lờ đờ, chuyển màu sẫm         , cơ thể xuất hiện những vết loét hoặc xuất huyết ở mang. Bệnh nặng có thể gây chết hàng loạt.

Biện pháp chữa trị: Khi phát hiện lươn bệnh cần ngưng cho ăn ngay, loại bỏ những con bị bệnh ra khỏi bể nuôi và vệ sinh bể.  

Dùng thuốc OSCILL ALGA STRONG (20 ml/m3) để sát trùng cho lươn 4 – 6 phút. Sau khi xử lý bể nuôi và lươn, lấy nước mới, dùng kháng sinh TRIMDOX New liều lượng 5 g/kg thức ăn, cho lươn ăn liên tục 5 – 7 ngày.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!