Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 6 (P. 5)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin cho biết cách xử lý thức ăn thừa trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng?(Hà Văn Chanh, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)

Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Trong nuôi tôm nói chung và nuôi TTCT nói riêng, việc xử lý thức ăn thừa và chất thải của tôm là rất quan trọng và cần thiết; Bởi, khi chúng tích tụ nhiều dưới đáy ao sẽ sinh ra nhiều khí độc, và gia tăng hàm lượng dinh dưỡng trong nước ao, thúc đẩy tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Do vậy, cần xử lý như sau: Sử dụng quạt khí trong ao liên tục để gom tụ chất thải và thức ăn thừa vào một khu vực giữa ao rồi xi phông loại bỏ ra ngoài. Sau 10 ngày thả nuôi, nên sử dụng chế phẩm sinh học (EMC, Pond clear… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì và bón định kỳ 7 – 10 ngày/lần) để tạo ra quần thể vi khuẩn có lợi trong nước ao, giúp chuyển hóa khí độc, phân hủy chất thải và thức ăn thừa trong ao. Mặt khác, cần căn cứ vào quy trình nuôi và sức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, tránh thừa gây lãng phí và ô nhiễm nước.

 

Hỏi: Khi kiểm cá trong ao thấy xuất hiện trên da nhiều u cục màu trắng. Vậy, cá bị loại bệnh gì, có nguy hiểm không, cách chữa trị?(Trương Cảnh Thu, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Đó là biểu hiện của bệnh u bạch huyết, bệnh này do các loại virus thuộc họ Baculoviridae có nhân đơn ở trong bào. Các virus gây ra u hạch tạo thành các thể ẩn nội nhân hình elip hoặc hình tròn ở dạng hạt nhỏ hoặc các nang có chứa 1 hoặc 2 virion (là dạng virus nghỉ ở ngoài tế bào chủ). Nguyên nhân gây bệnh, do cá nuôi thâm canh ở mật độ dày, môi trường bị ô nhiễm, virus trong môi trường nước đã phát triển và các bệnh ngoài da của cá làm tăng khả năng lây lan.

Bệnh không gây chết cá hàng loạt, tuy nhiên, cá bị bệnh này sẽ kém ăn, sức đề kháng kém và tăng trưởng giảm. Hiện nay, chưa có phương pháp chữa trị bệnh hiệu quả mà chỉ phòng bệnh qua việc cải tạo kỹ ao, bón vôi, nuôi cá với mật độ vừa phải, định kỳ thay nước (2 lần/tháng) và khử trùng nước ao (1 lần/tháng) với các loại hóa chất như vôi (CaO), Iodine, Chlorine, Formol (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì).

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!