Cùng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tại địa phương, Hội Nghề cá tỉnh đã góp sức cùng cơ quan chủ quản thực hiện đúng chuyên môn, tổ chức các hoạt động phát triển hội viên, đóng góp vào sự phát triển chung.
Toàn tỉnh hiện có 6 cụm cảng gồm: Cụm cảng Bến Đình, cảng Cát Lở, cảng Hải đoàn 129, cảng Phước Tỉnh, cảng Lộc An và cảng Bến Đầm; 6 bến cá gồm: Bến Lộc An, Cầu Tàu, Long Hải, Phước Hải, Bến Lội. Tổng chiều dài cảng khoảng 1.463 m, sản lượng hàng hóa qua cảng khoảng 340.000 tấn/năm. Tuy nhiên, trong số các cảng cá hiện nay tại địa phương, hầu như chưa có cảng nào được đầu tư xây dựng hiện đại, đủ khả năng đáp ứng cho các tàu có công suất lớn. Các bến cá, bến đậu quy mô nhỏ, chủ yếu là bãi ngang, hình thành tự phát trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên; trong khi nghề cá tại địa phương đang phát triển nhanh, nhu cầu hình thành các Trung tâm Nghề cá tập trung là cấp thiết, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển, quyết định sự phát triển thủy sản trong tương lai, tạo nền tảng, sức bật cho bước chuyển quyết định từ một nghề cá nhỏ, manh mún, mang tính tự phát sang nghề cá công nghiệp.
Hiện, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 6 cụm cảng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu – Ảnh: Song Nhi
Ông Cao Xuân Tiều, Chủ tịch Hội Nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc triển khai lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn, Hội đã tham mưu ngành những nội dung liên quan đến vị trí, địa điểm, cách bố trí mặt bằng, điều kiện kỹ thuật đối với luồng tàu, tiêu chí kỹ thuật đối với khu nước của cảng cá, công trình bến cảng cá. Tỉnh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương triển khai thực hiện các bước lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn gắn với ngư trường Đông Nam bộ. Trung tâm Nghề cá lớn phải được xây dựng ở những nơi có điều kiện địa hình tự nhiên thuận lợi cho xây dựng bến cảng; có nguồn nước, nguồn điện bảo đảm cho yêu cầu hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ hậu cần nghề cá. Cách biệt khu dân cư và cách xa các nguồn gây nhiễm cho thủy sản.
Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình thực hiện là hoạt động chuyên môn của Hội còn thiếu người, cán bộ còn kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động còn khó khăn, do đó, việc kiến nghị lên cơ quan chủ quản còn chưa thực sự mạnh mẽ, hiệu quả. Hội sẽ tiếp tục hoạt động trong phạm vi chuyên môn của mình, đóng góp vào hoạt động của ngành. Hội kiến nghị ngành nông nghiệp cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển thủy sản địa phương, làm rõ phân khu chức năng, đặc biệt phần cầu cảng dưới nước. Trong quá trình đầu tư, cần xác định chủ trương đầu tư, công tác quản lý đầu tư, phân cấp Trung ương và địa phương, quản lý bằng quy hoạch, quy chuẩn, các điều kiện, cơ chế giám sát phù hợp tình hình.
Cùng đó, Hội cũng tích cực tuyên truyền Nghị định 67 đến hội viên, gắn khai thác với việc bảo vệ chủ quyền. Sáu tháng đầu năm, Hội đã tổ chức 8 lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần hải sản xa bờ, với 748 người tham gia (có 80 lượt hội viên hội nghề cá tham gia). Trong đó, tổ chức 4 lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về quy trình, thủ tục về vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá, vay vốn lưu động để hoạt động dịch vụ hậu cần hải sản với 348 lượt người tham dự. Tổ chức 4 lớp tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm cho ngư dân toàn tỉnh với 4 lớp và 400 người tham gia.