5 năm qua, Hội Nghề cá Quảng Nam tích cực hỗ trợ sản xuất, bảo vệ và đồng hành cùng ngư dân; góp phần đưa nghề cá của tỉnh phát triển theo hướng ổn định, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người làm nghề cá.
Đến nay, Hội Nghề cá Quảng Nam có 5 hội viên tập thể; 7 thành viên Hội Nghề cá cơ sở; 79 tổ nuôi tôm cộng đồng; 136 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển và có 8 nghiệp đoàn nghề cá với hơn 2.200 hội viên.
Ông Trần Quang Kiến, Chủ tịch Hội cho biết, trong 5 năm (2011 – 2016), Hội Nghề cá các cấp ở Quảng Nam đã hỗ trợ các chủ tàu lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt đóng mới 92 tàu (đạt 100% chỉ tiêu được phân bổ; trong đó, có 60 tàu vỏ thép, 2 tàu composite, 30 tàu vỏ gỗ), gồm 83 tàu khai thác và 9 tàu dịch vụ hậu cần. Đến nay, đã có 42 tàu cá (gồm 21 tàu vỏ gỗ và 21 tàu vỏ thép) được vay vốn với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay là 417 tỷ đồng và đang tiếp tục xử lý 10 hồ sơ khác. Cạnh đó, đã tổ chức 2 lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới tại huyện Thăng Bình với 70 thuyền viên.
Ban chấp hành Hội Nghề cá Quảng Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021
Trong 5 năm qua, ngư dân Quảng Nam được hỗ trợ 155 tỷ đồng tạo điều kiện vươn khơi bám biển, phát triển sản xuất. Nhờ đó, sản lượng khai thác hằng năm tăng cao, từ 50.000 tấn (năm 2010) lên 75.000 tấn (năm 2015). Số lượng tàu khai thác hải sản có công suất lớn trên 90 CV tăng mạnh từ 183 chiếc năm 2010 lên trên 585 chiếc hiện nay.
Tiếp tục đồng hành với ngư dân
Đồng hành với hội viên, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ cho nghề nuôi thủy sản đa dạng các đối tượng có lợi thế ở địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa, với diện tích nuôi ổn định khoảng trên 7.000 ha; sản lượng tăng từ 15.000 tấn (năm 2010) lên trên 18.000 tấn (năm 2016). Thị trường tiêu thụ được các cấp hội, các doanh nghiệp là hội viên của hội chủ động tìm kiếm, tạo điều kiện đầu ra sản phẩm nuôi trồng của người dân. Lĩnh vực hậu cần nghề cá gắn với sản xuất, khai thác, nuôi trồng… cũng được các cấp Hội Nghề cá ở Quảng Nam quan tâm.
Ông Trần Châu Giang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên, cho biết: Hội Nghề cá Quảng Nam luôn thể hiện vai trò lắng nghe, đi sâu, đi sát cơ sở, đề xuất các giải pháp đối với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống của ngư dân như những vấn đề rủi ro trong khai thác hải sản trên biển; cảnh báo những khó khăn trong nuôi trồng thủy sản; chất lượng sản phẩm thủy sản và thị trường tiêu thụ… Đặc biệt đã có tiếng nói, kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước để bảo vệ quyền lợi cho nông ngư dân.
Thời gian tới, Hội Nghề cá Quảng Nam sẽ tiếp tục đồng hành với ngư dân, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hỗ trợ sản xuất thủy sản góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu của ngành thủy sản; phát triển mạnh tàu cá xa bờ, tổ chức tốt các tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển; nuôi trồng tăng bình quân hằng năm 5%; tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng sự phát triển nghề cá tỉnh. Đặc biệt, tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của hội viên, nông ngư dân và doanh nghiệp làm nghề cá, là cầu nối giữa Nhà nước với nông ngư dân, trước hết là về cơ chế, chính sách, chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn, đào tạo trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến nghề cá nhằm phát triển nghề cá bền vững.
>> Hội Nghề cá Quảng Nam vừa tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 – 2021; bầu ra Ban chấp hành gồm 17 thành viên, ông Trần Quang Kiến giữ chức Chủ tịch. Cùng đó, 3 tập thể và 5 cá nhân vinh dự được Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam trao tặng bằng khen. |