Bằng nhiều hình thức thực hiện mang lại hiệu quả cho các chi hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho hội viên, Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế được đánh giá là một trong những tỉnh Hội hoạt động hiệu quả thời gian qua.
Duy trì hiệu quả
Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có hơn 3.500 tàu thuyền gắn máy với tổng công suất trên 58.000 CV và 2.000 thuyền thủ công khai thác thủy sản vùng đầm phá. Sản lượng thủy sản tự nhiên mỗi năm ở vùng đầm phá khoảng 4.000 tấn. Những năm gần đây, quản lý nghề cá quy mô nhỏ ở đầm phá được thực hiện bằng cách dựa vào ngư dân. Cùng đó, địa phương lập 19 khu bảo vệ thủy sản với diện tích 533 ha, góp phần bảo vệ, ổn định tốt hơn nữa nguồn lợi thủy sản.
Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Lương Hiền khẳng định, qua việc mở rộng giao quyền khai thác mặt nước cho hội viên, nhân rộng các mô hình chi hội sản xuất tiên tiến, tích cực tham gia quản lý cộng đồng vùng đầm phá, các vùng ven biển đánh bắt tập trung; đồng thời, thực hiện nghiêm luật thủy sản, quy chế quản lý khai thác thủy sản đầm phá Thừa Thiên – Huế; hội viên, chi hội đã thực hiện hiệu quả và mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình.
Việc ra đời, phát triển các chi hội nghề cá dựa trên việc trao đổi nghiên cứu, lấy ý kiến đồng thuận của người dân, chính quyền địa phương. Các chi hội nghề cá đủ năng lực tiếp nhận quyền quản lý khai thác thủy sản trên vùng nước, phục vụ sinh kế hội viên, ngư dân. Những chi hội này kế thừa kinh nghiệm truyền thống quản lý vùng đầm phá từ truyền thống, đồng thời tiếp thu mô hình quản lý hiện đại từ Nhật Bản, Hàn Quốc…
Sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn
Thời gian tới, Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế mong muốn tiếp tục triển khai giao quyền khai thác mặt nước vùng ven biển cho các chi hội có đủ điều kiện; các chi hội này được cấp kinh phí hoạt động. Đồng thời, vận động hội viên gương mẫu, không khai thác bằng các nghề cấm; khi phát hiện những đối tượng khai thác thủy sản bằng nghề cấm, sẽ tìm mọi cách báo cho cơ quan chức năng hoặc lãnh đạo chi hội, để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Cùng đó, tiếp tục phối hợp các cơ quan trong ngành tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển và đầm phá, chủ động và giúp đỡ nhau phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn người và phương tiện hành nghề. Nhân rộng các mô hình chi hội sản xuất tiên tiến, tích cực tham gia quản lý cộng đồng vùng đầm phá, các vùng ven biển đánh bắt tập trung.
Hướng phát triển sản xuất của Hội Nghề cá tỉnh hiện vừa mang tính trước mắt để giải quyết vấn đề dân sinh (xóa đói giảm nghèo) vừa mang tính lâu dài (từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá) nên tổ chức phát triển Hội phải từng bước theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Vì vậy, có thể lập ra các hiệp hội chuyên ngành theo từng vùng, từng khu vực, gắn sản xuất với tiêu thụ, đảm bảo chủ động cả đầu vào và đầu ra.
Ông Nguyễn Lương Hiền cho biết thêm, Hội mong muốn UBND tỉnh xem xét công nhận Hội là hội đặc thù, tạo điều kiện hỗ trợ một phần kinh phí phục vụ hoạt động Hội.
>> Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 47 chi hội cơ sở được huyện giao quyền quản lý mặt nước sông, đầm, với diện tích 16.000 ha đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, chiếm gần 73% tổng diện tích đầm phá; 2 chi hội nghề cá khai thác biển được giao quyền quản lý vùng mặt nước gần bờ thí điểm; 16 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được cấp quyền hoạt động. |