Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế: Vượt khó cùng hội viên

Chưa có đánh giá về bài viết

Được thành lập năm 2003, qua 12 năm hoạt động, Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế không ngừng củng cố các Chi hội cơ sở, giúp các Chi hội, hội viên hoạt động đúng hướng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Hoạt động thiết thực

Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế, ông Nguyễn Lương Hiền cho biết: Từ khi tham gia hoạt động, hầu hết các Chi hội đều thực hiện nuôi trồng, khai thác hiệu quả. Một số Chi hội được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí đã phát huy tốt vai trò tham gia cùng địa phương sắp xếp nghề khai thác biển.

Các Chi hội khai thác đã tổ chức tuần tra phát hiện và xử lý kịp thời hàng trăm trường hợp vi phạm trong khai thác đánh bắt, đặc biệt là tình trạng đánh bắt bằng xung điện, nhờ đó, tình hình vi phạm khai thác bằng nghề cấm trên đầm phá đã giảm bớt. 6 tháng đầu năm, Ban Chấp hành Hội thường xuyên báo cáo tình hình và tham mưu cho UBND xã, Phòng NN&PTNT các huyện xử lý những trường hợp vi phạm về nuôi trồng thủy sản (NTTS), đồng thời tuyên truyền, vận động các hội viên cải tạo ao hồ, nuôi đúng lịch thời vụ và thực hiện đúng chủ trương pháp luật Nhà nước quy định.

Hiện, đã có 47 Chi hội được giao quyền quản lý và khai thác thủy sản đầm phá với tổng diện tích hơn 16.000 ha (chủ yếu tại đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, chiếm gần 73% tổng diện tích đầm phá) và 2 Chi hội khai thác biển. Thành lập 17 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được UNBD tỉnh cấp quyết định giao cho các Chi hội quản lý, đã đi vào hoạt động. Trong 47 Chi hội được cấp quyền có 2 Chi hội biển xã Quảng Công, xã Vinh Thanh đang được giao quyền thí điểm ngoài vùng biển.

Sản phẩm tôm chua Huế – Ảnh: Hồng Thắm

Từ đầu năm đến nay, Hội đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng tổ chức kiện toàn Chi hội xã Quảng Lợi và Chi hội Nghề cá huyện Lăng Cô; mở 5 lớp tập huấn về NTTS cho hội viên. Đồng thời, thực hiện trồng rừng ngập mặn, hỗ trợ 2 mô hình nuôi cua trong rừng ngập mặn tại Lăng Cô (mỗi mô hình 50 triệu đồng). Phối hợp Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang tổ chức họp tuyên truyền Nghị định 67 cho ngư dân và hội nghị tư vấn cho các Chi hội khai thác biển về phát triển đóng mới tàu vỏ sắt, cùng các ban ngành trong tỉnh nghiệm thu tàu đóng mới theo tinh thần của Nghị định. Các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi tại của biển Thuận An, Phú Lộc… cũng được triển khai.

 

Mở rộng và phát triển

Khó khăn của Hội là những vấn đề về nguồn lực và kinh phí hoạt động. Đa số cán bộ chủ chốt của Hội là cán bộ về hưu và kiêm nhiệm. Tỉnh chưa có chính sách giúp Hội có đủ điều kiện phát triển mạnh hơn, chưa công nhận Hội trở thành đơn vị đặc thù… 

Từ nay đến cuối năm, Hội tiếp tục tuyên truyền vận động, kết nạp các hội viên mới, thành lập các Chi hội Nghề cá ở vùng biển, phấn đấu 100% các xã có nghề khai thác thủy sản biển đều có Chi hội Nghề cá và tiếp tục trao quyền khai thác mặt nước biển, dự kiến thành lập 5 Chi hội mới và Hiệp hội Sản xuất, chế biến nước mắm. Chỉ đạo, hướng dẫn các Chi hội đệ trình các cấp chính quyền giao quyền khai thác mặt nước đầm phá và mặt nước biển cho các Chi hội cơ sở.

Ông Nguyễn Lương Hiền cho biết thêm, một nhiệm vụ quan trọng của Hội là tiếp tục phối hợp với các Trung tâm, các chương trình, dự án để củng cố, kiện toàn những Chi hội yếu kém đi vào hoạt động hiệu quả. Triển khai tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý tới các Chi hội cơ sở. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong nuôi trồng và khai thác cho hội viên, phát thẻ cho hội viên các Chi hội đã đủ điều kiện.

>> Hội Nghề cá Thừa Thiên – Huế có hơn 6.000 hội viên, Ban chấp hành gồm 25 người. Hiện nay Hội có 75 Chi hội cơ sở, trong đó có 13 Chi hội khai thác biển, 50 Chi hội vừa nuôi trồng vừa khai thác thủy sản đầm phá, 1 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cộng đồng, 1 Hiệp hội Tôm chua Huế và 10 Chi hội NTTS.

Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!