T2, 06/07/2020 09:46

Hội Nghề cá Việt Nam chủ động hỗ trợ ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Năm nào cũng vậy, ở nước ta, không chỉ ngư dân khai thác trên biển gặp nhiều rủi ro vì bão mà người nuôi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nuôi trồng do dịch bệnh… Với nhiệm vụ của mình, Hội Nghề cá Việt Nam đã và đang nỗ lực mang lại cho người dân nhiều lợi ích để phát triển kinh tế.

Quyên góp ủng hộ nạn nhân bão số 1

Ưu tiên cho ngư dân gặp rủi ro trên biển

Cơn bão số 1 đã gây thiệt hại nặng cho nhiều tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh ven biển. Theo báo cáo nhanh của các địa phương và các bộ, ngành, đến 6 giờ sáng 18-7, bão số 1 khiến 303 nhà bị tốc mái, trong đó Quảng Ninh 200 nhà, Hải Phòng 103 nhà; 27 tàu thuyền bị đắm, vỡ (Quảng Ninh 15 tàu thuyền, Hải Phòng 5 tàu thuyền; Quảng Ngãi 6 tàu thuyền, Hà Tĩnh 1 tàu thuyền). 34 tàu ở Quảng Ninh và 3 tàu lớn đang sửa chữa tại Hải Phòng bị trôi. 13 chiếc lồng bè bị vỡ (Quảng Ninh 12 chiếc, Hải Phòng 1 chiếc)… Đến chiều 26/7/2010 vẫn còn 13 ngư dân mất tích, trong đó có 10 ngư dân Khánh Hòa và 3 ngư dân Quảng Ngãi. 

Trước những thiệt hại về người và của do bão số 1 đối với ngư dân, HNC Việt Nam đã có công văn số 107/HNC ngày 26/7/2010 đề nghị Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình ngư dân gặp thiên tai bão lũ, giảm bớt khó khăn trong đời sống, sản xuất, động viên gia đình ngư dân yên tâm tiếp tục sản xuất. Bên cạnh đó, ý định việc thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân do Quảng Ngãi đề xuất cũng đang được nhiều Tỉnh hội và ngư dân đồng thuận ủng hộ. Ông Phan Huy Hoàng – Chủ tịch HNC Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ ngư dân từ nhiều tháng trước, khi tình hình ngư dân Quảng Ngãi luôn gặp nhiều khó khăn trong đánh bắt, khai thác nguồn thủy sản xa bờ. Quỹ Hỗ trợ ngư dân được thành lập sẽ khiến ngư dân Quảng Ngãi yên tâm hành nghề”.

Ông Lê Minh Phiếu, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng: “Để có thể bù đắp những thiệt hại cho ngư dân bị nạn, giúp họ ổn định đời sống và tiếp tục làm ăn, cần có một Quỹ tương hỗ, hỗ trợ ngư dân. Quỹ này, có phạm vi hoạt động toàn quốc, sẽ có mục đích bù đắp toàn bộ hay một phần những thiệt hại về vật chất cho những trường hợp bị tai nạn, bị bắt do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông”.

Như vậy, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ cho ngư dân là việc làm cần thiết để hỗ trợ một phần thiệt hại nặng nề mà ngư dân phải gánh chịu sau những trận bão thảm khốc, đồng thời giúp ngư dân yên tâm bám biển và vươn khơi.

 

Tích cực trong các hoạt động

Ngoài nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân trong rủi ro khi khai thác ngoài khơi, các hoạt động khác của HNC Việt Nam cũng được đặc biệt chú trọng. Trong hội nghị ngày 17/7/2010 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Thường vụ HNC Việt Nam đã tổ chức hội nghị mở rộng, sơ kết công tác Hội 6 tháng đầu năm 2010, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và một số công tác về phát triển nghề cá trong thời gian tới. Trước những kết quả về nuôi trồng, phát triển thủy sản trên cả nước của hội viên, HNC Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội cần tăng cường nắm bắt tình hình thực tế, tập hợp những khó khăn, vướng mắc của hội viên, ngư dân trong sản xuất nhằm đề xuất với Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ ngành chức năng và chính quyền địa phương những chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, ngư dân.

  Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch HNC Việt Nam cho biết: “ Để thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm, Hội kiến nghị, đề xuất với Chính Phủ, cán bộ ngành liên quan có cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển nghề cá; chính sách ưu tiên về giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho con em miền biển, bãi ngang, hải đảo được ưu tiên như miền núi, đặc biệt là chính sách liên quan đến lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, ngư dân trên các đảo góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển”. Ngoài ra, các cấp Hội phải có chính sách hỗ trợ cho người nuôi, khai thác thủy sản khi gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, ngư dân được tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. Đối với một số hộ dân ĐBSCL nuôi cá tra, tôm cần có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để các hộ dân có điều kiện tiếp tục đầu tư sản xuất thu hồi vốn.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với các ý kiến để HNC có văn bản gửi Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến phát triển nghề cá. Ngoài ra, các hoạt động phối hợp với các đơn vị chức năng của Trung ương, địa phương tham gia thực hiện chương trình đào tạo nghề cho nông dân theo quyết định 1956/QĐTTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ đang được Hội tích cực đẩy mạnh…

Ngọc Hà

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!