Đó là quan điểm của ông Nguyễn Việt Thắng (ảnh), Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam khi chia sẻ với Tạp chí Thủy sản Việt Nam về việc chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường biển làm cá chết bất thường thời gian qua.
Ông đánh giá như nào về việc Chính phủ công bố nguyên nhân và tìm ra thủ phạm sự cố môi trường gây cá chết tại miền Trung?
Hội Nghề cá Việt Nam và người dân 4 tỉnh miền Trung rất hoan nghênh và cảm ơn Chính phủ, các nhà khoa học đã làm việc công tâm, nghiêm túc, xác định chính xác nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết. Hội Nghề cá và nhân dân cũng ghi nhận việc nhận lỗi và cam kết chịu trách nhiệm khắc phục các hậu quả do sự cố cá chết tại khu vực miền Trung của Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Được biết, trong Dự thảo trình Chính phủ sắp tới của Bộ NN&PTNT có đề xuất một số giải pháp hỗ trợ ngư dân; ông đánh giá thế nào về Dự thảo này?
Việc đề xuất cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung được hưởng chính sách như Nghị định 67 và Nghị định 89 để đóng tàu dưới 90 CV, Hội Nghề cá Việt Nam thấy rằng không nên kiến nghị nội dung này vì Formosa gây sự cố môi trường biển chứ không gây hậu quả liên quan đến đền tàu. Việc đóng thêm tàu dưới 90 CV sẽ làm tăng số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ, điều này đi ngược lại với chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Mặt khác, chúng ta chưa biết đến bao giờ vùng biển ven bờ 4 tỉnh miền Trung sẽ an toàn trở lại, hệ sinh thái khi nào được phục hồi (bao gồm cá).
Về việc chuyển đổi nghề cho ngư dân, Hội Nghề cá Việt Nam thấy rằng chính sách này cần thiết nhưng cần chú ý những điểm sau: chuyển đổi nghề phải dựa vào trình độ văn hóa của người dân, tận dụng nghề phù hợp và nguyên liệu sẵn có, phù hợp với từng loại lao động, đặc biệt là phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm, thì việc chuyển đổi nghề mới đem lại hiệu quả.
Liên quan đến sử dụng lao động 4 tỉnh miền Trung để phục hồi tái tạo hệ sinh thái, đặc biệt là phục hồi san hô, đây là một hướng giải quyết nhưng chỉ là một trong các giải pháp; vì trồng san hô đòi hỏi lao động phải có sức khỏe, biết lặn, được đào tạo về chuyên môn… Do vậy, chỉ có thể sử dụng một phần nhỏ lao động trong số những người bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết.
Nhiều ngư dân bị ảnh hưởng do hiện tượng cá chết đang cần được giúp đỡ – Ảnh: Quang Quyết
Vậy Hội Nghề cá Việt Nam có đưa ra những giải pháp nào bổ sung cho Dự thảo trên, thưa ông?
Theo Hội Nghề cá Việt Nam nên chú ý tới các yếu tố sau: Phát triển đóng tàu công suất lớn, có thể đánh bắt ở khơi xa, đi biển dài ngày, hưởng ưu đãi theo Nghị định 67, Nghị định 89 gắn liền với việc thực hiện đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, và kỹ thuật bảo quản cá để chống thất thoát sau thu hoạch. Đồng thời, liên kết với các ngành kinh tế khác như chăn nuôi, trồng trọt, du lịch… để giải quyết lao động phải tạm thời bỏ nghề do sự cố môi trường biển. Điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh là các ý tưởng của Nhà nước cần phải được lấy ý kiến nhân dân ở vùng bị hại để họ góp ý, hoàn thiện và sau này sẽ tự giác thực hiện.
Formosa cam kết sẽ hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề, vậy chúng ta nên giám sát thế nào để việc cam kết được đúng?
Trước hết Hội Nghề cá Việt Nam không đồng tình với cụm từ “Formosa hỗ trợ”, bởi vì thủ phạm gây ra thảm họa môi trường biển 4 tỉnh miền Trung đã được xác định là Formosa. Căn cứ vào luật pháp hiện hành của Việt Nam, tội danh này ở khung hình phạt nào thì cần được xác định và xử lý ở khung hình phạt ấy, bao gồm việc bồi thường thiệt hại đối với người dân và thiệt hại đối với môi trường. Hội Nghề cá mong rằng Chính phủ tiếp tục xác định và làm rõ vấn đề này.
Xét riêng về thiệt hại do Formosa gây ra, có thể chia thành 2 loại: Thiệt hại trực tiếp gồm sinh vật biển tầng đáy tại 4 tỉnh miền Trung bị chết, ngư dân đánh cá ven bờ, người nuôi cá ven biển, người nuôi trồng thủy sản trong nội đồng nhưng sử dụng nước biển để nuôi, ngoài thủy sản bị chết, họ không thể tiếp tục hành nghề. Các ngành nghề kinh tế khác như du lịch bị thất thu. Môi trường ven biển 4 tỉnh miền Trung đã bị hủy diệt, đang có độc tố và khi nào mới phục hồi? Thiệt hại gián tiếp, giá cá biển của cả nước từ tháng 5 đến nay bị giảm khi tiêu thụ, sản phẩm cá Việt Nam xuất khẩu bị giảm giá, sản phẩm thủy sản xuất khẩu bị các quốc gia nhập khẩu tăng cường lấy mẫu kiểm tra. Con số 11.000 tỷ đồng do Formosa cam kết chỉ là tạm tính, sau khi xác định chính xác thiệt hại mới có số liệu chính thức về thiệt hại để đền bù. Hội Nghề cá cho rằng nếu có một ban giám sát bao gồm các bên Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và người dân, đặc biệt là những khoản đền bù thiệt hại cho dân thì cần có đại diện của người dân.
Quan điểm của Bộ LĐTBXH cho rằng, Bộ này không kỳ vọng đào tạo, chuyển đổi sang nghề khác cho ngư dân, là người vùng biển, ngư dân phải sống được bằng sinh kế nghề biển. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
Hội không đồng tình với quan điểm này; bởi, cũng như các vùng miền khác, ngư dân ven biển có lao động là nam giới, trẻ khỏe, làm nghề đánh cá, nhưng cũng có những lao động là phụ nữ, đàn ông lớn tuổi và những người khuyết tật… Tất cả đều cần việc làm và kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Những người đi xuất khẩu lao động hoặc đến các khu công nghiệp và đô thị để kiếm việc làm thì những người có sức khỏe, có tay nghề và có điều kiện đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Còn đối với nghề khai thác biển, cần điều chỉnh chuyển đổi một số lao động khai thác gần bờ ra khai thác xa bờ, hoặc chế biến thủy sản, xây dựng làng nghề cho ngư dân và như vậy cũng cần đào tạo nghề cho họ. Như trên đã nói, phương án tốt nhất là cùng bàn bạc với người dân trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi nghề. Chính người dân sẽ cho chúng ta biết nên làm gì, bắt đầu từ đâu và làm cách nào cho hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ước có 263.000 lao động bị ảnh hưởng từ sự kiện cá chết do Công ty Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động trực tiếp. |