T2, 06/07/2020 09:56

Hội Nghề cá Việt Nam – Phác họa qua 12 tháng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Năm qua, Nghề cá Việt Nam chịu nhiều tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thị trường biến động… ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Hội và các cấp hội cùng sự cố gắng của doanh nghiệp, hội viên đã chủ động khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Thử phác họa vài nét về “ngôi nhà” Hội trong 12 tháng qua.

Năm 2011, hệ thống tổ chức của Hội Nghề cá Việt Nam được củng cố, phát triển, hoạt động của Hội ngày một đa dạng, toàn diện. Hội đã chủ động hơn trong những hoạt động phối hợp với các ngành chức năng liên quan để giải quyết những vấn đề lớn của ngành nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông, ngư dân, xây dựng và đưa chính sách vào cuộc sống, góp phần thực hiện an sinh xã hội, quảng bá thương hiệu và hình ảnh của ngành thủy sản trên quốc tế.

Trung ương Hội cũng như tỉnh hội đã khẳng định được uy tín với các cấp, các ngành, thực sự là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, chỗ dựa đáng tin cậy của hội viên, ngư dân. Nói lên tiếng nói chung, đại diện bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, nhất là lĩnh vực khai thác trên biển, góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng biển đảo của Tổ quốc. Hoạt động của Hội đã có tác dụng thiết thực và đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo hội viên tham gia Hội. Lãnh đạo, cán bộ Hội từ Trung ương đến địa phương đã vượt qua nhiều khó khăn về tuổi tác, sức khỏe, kinh phí khó khăn nhưng hoạt động rất có trách nhiệm và tích cực vì sự phát triển của Hội và hội viên. Tuy nhiên, một số hạn chế không nhỏ cần phải khắc phục trong nhiệm kỳ sau như: Công tác chỉ đạo điều hành của Hội chưa thực sự sâu sát, nội dung, hình thức hoạt động còn đơn điệu, một số hoạt động của Hội chậm triển khai, hiệu quả chưa cao; Hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế; Nguồn kinh phí hạn hẹp, không ổn định…

 

Hội Nghề cá Quảng Ninh

Hệ thống tổ chức Hội Nghề cá tỉnh được củng cố và phát triển hoạt động ngày càng đa dạng và toàn diện. Hội đã chủ động hơn trong những hoạt động phối hợp với ngành chức năng liên quan để tranh thủ các nguồn lực vừa xây dựng tổ chức, tạo nguồn kinh phí, vừa hỗ trợ hội viên, ngư dân, đồng thời tuyên truyền công tác Hội. Bên cạnh đó, các cấp hội địa phương, doanh nghiệp, hội viên luôn bám sát định hướng phát triển kinh tế, thực hiện tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, tình nghĩa, tương trợ giúp đỡ nhau trong đời sống, tạo sự đồng cảm, gắn kết giữa các hội viên cùng phát triển kinh tế và xây dựng Hội Nghề cá Quảng Ninh nói chung và nghề cá các địa phương nói riêng phát triển bền vững.

 Hội nghề cá Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong thành công của ngành thủy sản Việt Nam Ảnh: Huy Hùng

Hội Nghề cá Quảng Nam

Hiện nay, tổng số hội viên của Hội là 2.960 thành viên. Trong đó, có 4 hội viên tập thể, 1 hội nghề cá cấp huyện, 6 hội nghề cá cấp xã, 79 tổ nuôi tôm cộng đồng và 68 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển trên toàn tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm, hoạt động của Hội Nghề cá tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập như: hoạt động của Hội chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của nghề cá tỉnh nhà; nhận thức về công tác Hội chưa sâu sắc, từ Ban chấp hành đến chi hội cơ sở và hội viên dẫn đến hạn chế trong tổ chức, điều hành và thành lập Hội; Hội còn chưa theo sát thực tiễn và chưa nhận được nhiều những chia sẻ cũng như tâm tư nguyện vọng của hội viên; nguồn kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế…

 

Hội Nghề cá Bình Thuận

Năm 2011, bằng các hoạt động phối hợp của Hội đã góp phần đưa một số chỉ tiêu cơ bản trên lĩnh vực thủy sản của tỉnh đạt kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2010 như: Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh năm 2011 ước đạt 173.800 tấn, bằng 100,46% kế hoạch năm; Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 15.300 tấn, đạt 102% kế hoạch; Lợi thế về sản xuất tôm giống tiếp tục được duy trì phát triển, cả năm ước đạt 12 tỷ tôm post, đạt 150% kế hoạch. Sản lượng nước mắm cả năm ước đạt 40 triệu lít.

 

Hội Nghề cá Bình Định

Năm vừa qua, Hội đã phối hợp với Sở NN&PTNT và các địa phương, đơn vị liên quan trong ngành chỉ đạo sản xuất và tuyên truyền vận động, giúp đỡ hội viên, ngư dân phát triển sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực đánh bắt, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu và dịch vụ nghề cá. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song sản xuất thủy sản của tỉnh trong năm 2011 tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. So với năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 151.018 tấn, tăng 6,6%, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương tăng 12,5%; Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 9.011 tấn, tăng 1,1%, trong đó, sản lượng tôm nuôi 6.100 tấn, tăng 2,2%; Giá trị xuất khẩu ước đạt 40,242 triệu USD, bằng 96,04%.

 

Hiệp hội Thủy sản Trà Vinh

Trong năm qua, dưới sự chỉ đạo và điều hành của Ban chấp hành, Ban Thường trực Hiệp hội Thủy sản các hoạt động trọng tâm đã được triển khai đạt hiệu quả tốt. Tổ chức chi hội cơ sở của 2 mặt hàng chủ lực là tôm sú và cá tra đã được hình thành và bước đầu đi vào ổn định hoạt động. Thực hiện tổ chức liên kết ngang và liên kết dọc các tác nhân trong chuỗi mặt hàng tôm sú, cá tra đã tạo được thành công bước đầu, đã có ít nhất 10 hợp đồng liên kết giữa các hội viên với doanh nghiệp chế biến được triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2012: Thực hiện tổ chức sáp nhập 2 tổ chức Hội Nghề cá và Hiệp hội Thủy sản thành Hội Thủy sản Trà Vinh sau khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

>> Mục tiêu chung của Hội Nghề cá Việt Nam trong nhiệm kỳ V (2012-2017): Xây dựng và khẳng định hình ảnh của Hội thực sự là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người làm nghề cá Việt Nam. Thu hút rộng rãi mọi tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thuỷ sản tham gia Hội. Đổi mới triệt để và đa dạng hoá các hoạt động Hội đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất – kinh doanh của hội viên, góp phần đưa các chính sách của Nhà nước vào cuộc sống.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!