Hội Nghề cá Việt Nam: Tích cực sát cánh với ngư dân trong giai đoạn mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề cá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước, với giá trị tăng đều qua từng năm; trong đó, có nhiều mặt hàng xuất khẩu luôn thuộc top “tỷ đô”. Nâng cao và khẳng định tầm quan trọng của ngành nói chung và tiếng nói của người làm nghề nói riêng đang ngày càng được đặt ra cấp thiết đối với Hội Nghề cá Việt Nam.

Tích cực hiện đại hóa

Ở Việt Nam, ngành thủy sản có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra lương thực, thực phẩm, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng trực tiếp; Góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; Hàng năm đưa về nguồn thu ngoại tệ lớn thông qua xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Không những vậy, đây còn là ngành kinh tế tạo cơ hội việc làm cho nhiều cộng đồng lao động, đặc biệt ở những vùng nông thôn và ven biển.

Những năm qua, công tác khuyến ngư đã thúc đẩy phát triển các mô hình nuôi đến các vùng sâu, vùng xa, không những cung cấp nguồn dinh dưỡng, đảm bảo an ninh thực phẩm mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo. Tại các vùng duyên hải, từ năm 2000, nuôi thủy sản nước lợ đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ nuôi quảng canh sang quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh, thậm chí nhiều nơi đã áp dụng mô hình nuôi thâm canh công nghệ cao. Các vùng nuôi tôm rộng lớn, hoạt động theo quy mô sản xuất hàng hóa lớn đã hình thành. Hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các mặt nước lớn như nuôi cá hồ chứa cũng đã phát triển, hoạt động này luôn được gắn kết với các chương trình phát triển trung du miền núi, các chính sách xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, việc nuôi thủy sản đã giúp khắc phục khó khăn của ngành nông nghiệp, nhất là ở những vùng đất bị mặn xâm lấn, bởi nuôi trồng thủy sản có thể thu về giá trị gấp hàng chục lần hoạt động chuyên lúa. Do vậy, một phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Quá trình này diễn ra mạnh nhất là vào các năm 2000 – 2002, hơn 200.000 ha diện tích được chuyển sang nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Về khai thác, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển nền kinh tế biển toàn diện. Việc mở tư duy hướng ra biển được coi là định hướng lớn cho nền kinh tế công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tính đến nay, Việt Nam đã có hàng trăm nghìn tàu khai thác hải sản, hàng năm thu về sản lượng 2 – 3 triệu tấn.

hội nghề cá việt nam tích cực sát cánh với ngư dân trong giai đoạn mới

Ngư dân Quảng Bình khai thác thủy sản xa bờ – Ảnh: Xuân Trường

 

Góp phần bảo vệ chủ quyền trên biển

Ngành thủy sản luôn giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển, ổn định xã hội và phát triển kinh tế các vùng ven biển, hải đảo, góp phần thực hiện chiến lược quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 64/2000/QĐ-TTg về việc sửa đổi quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt dịch vụ và đánh bắt hải sản xa bờ, tổng số vốn đã duyệt cho vay từ năm 2000 đến năm 2005 là hơn 182 tỷ đồng để đóng mới 166 tàu.

Ngày 7/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đây được coi là nghị định quan trọng, quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản đối với sự phát triển của ngành thủy sản. Đặc biệt, khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn. Việc gia tăng số lượng tàu lớn đánh bắt xa bờ không chỉ nhằm khai thác các tiềm năng mới, cung cấp nguyên liệu cho chế biến, mà còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, biển đảo của Tổ quốc.

Trong Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, ngành thủy sản cơ bản được công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tiếp tục phát triển toàn diện theo hướng bền vững, thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Kinh tế thủy sản đóng góp 30 – 35% GDP trong khối nông – lâm – ngư nghiệp; tạo việc làm cho 5 triệu lao động nghề cá.

 

Nỗ lực hơn nữa

Mặc dù được đánh giá là lĩnh vực mũi nhọn trong ngành nông nghiệp, hàng năm mang về cho đất nước nhiều tỷ đô la, tuy nhiên, đầu tư cho thủy sản vẫn rất nhỏ bé. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2006 – 2010, đầu tư cho thủy sản chỉ chiếm 2,9% trong tổng vốn đầu tư của lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, giai đoạn 2011 – 2014 chiếm khoảng 5% và phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 lên 8,7%, quá nhỏ bé so với giá trị mang lại.

Cùng với đó, mức đền bù cho thiệt hại của lĩnh vực thủy sản dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đảm bảo được khả năng tái sản xuất của người dân; nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào đang ngày một tăng và giá cả thương phẩm rất bấp bênh.

Về khai thác, hiện nay ngư dân khai thác hải sản trên biển ngày một khó khăn, giá cả phí tổn tăng từng ngày trong khi đầu ra bị tư thương ép giá, luôn trong tình cảnh “được mùa mất giá, thậm chí mất mùa mất cả giá”. Chưa kể đến rất nhiều rủi ro, cả nhân tai và thiên tai… Người làm nghề cá hiện nay rất cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Vừa qua, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có công văn thông báo về việc phân bổ một đại diện của Hội Nghề cá Việt Nam tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội. Đây là việc hết sức cần thiết, bởi khi đó, người làm nghề cá sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn, sẽ có đại diện để giúp họ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, nhất là hiện nay vấn đề ngư dân đi khai thác trên biển đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức và tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy vị trí, vai trò của ngư dân và hội ngành nghề thủy sản ngành càng được quan tâm hơn trong hoàn cảnh mới của đất nước.

>> Thông qua Công văn 1739/CV-MTTQ-BTT của Trung ương MTTQ Việt Nam về phân bổ một đại diện của Hội Nghề cá Việt Nam tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội Nghề cá Việt Nam đã giới thiệu Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam ứng cử ĐBQH khóa XIV. Ông Nguyễn Việt Thắng hiện là Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ủy viên hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam; từng nhiều năm là Thứ trưởng Bộ Thủy sản, nay là Bộ NN&PTNT.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!