Ngày 23/7/2013, tại Tỉnh Tuyên Quang, Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc 6 tháng đầu năm 2013.
Tham dự Hội nghị có đại diện của các cơ quan thuộc Tổng cục Thủy sản, Cục Thú Y, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đại diên Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Chi cục NTTS, Trung tâm khuyến nông của 20 tỉnh khu vực phía Bắc. Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Lê Tiến Thắng – Giám đốc sở NN&PTNT Tỉnh Tuyên Quang đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức thường niên tại các khu vực miền Nam, miền Trung và miền Bắc. Hội nghị lần này tập trung đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất ngành thủy sản 6 tháng đầu năm của các tỉnh nội đồng khu vực phía Bắc, bàn các giải pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch năm 2013 và cho năm tiếp theo. Qua Hội nghị, các thông tin, kinh nghiệm quản lý sản xuất cũng được chia sẻ giữa các nhà quản lý cấp Trung ương và địa phương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2013 diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt của các tỉnh phía Bắc đạt 163.825 ha (tăng 574 ha, tương đương tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2012). Sản lượng cá nước ngọt đạt 188.248 tấn, bằng 45% kế hoạch năm 2013. Trong đó địa phương có sản lượng lớn như Hà Nội đạt 33.750 tấn, Hải Dương 31.430 tấn, Bắc Giang 14.250 tấn, Hà Nam 12.313 tấn, Bắc Ninh 11.850 tấn. Một số địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đã có sự bứt phá để đạt năng suất và chất lượng cao trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi theo hình thức công nghiệp; năng suất cao nhất có thể đạt tới 12-15 tấn/ha/vụ.
Công tác thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được Tổng cục Thủy sản và địa phương hết sức quan tâm: 6 tháng đầu năm 2013, Tổng cục Thủy sản phối hợp địa phương thả giống cá rầm xanh, anh vũ, cá chiên, cá lăng và một số đối tượng cá truyền thống tại hồ thủy điện Sơn La, hồ thủy điện Tuyên Quang, …
Hiện nay, nuôi trồng thủy sản ở khu vực này sản phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng nội địa chưa tạo thành hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn, cung cấp sản phẩm tại chỗ, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, nhất là vùng miền núi còn nhiều khó khăn còn góp phần giảm tệ nạn phá rừng.
Loại hình mặt nước nuôi trồng thủy sản của các tỉnh phía Bắc (không có nước mặn, lợ) tập trung chủ yếu là hồ chứa thủy điện, thủy lợi, ruộng trũng, sống suối và ao hồ nhỏ. Đối tượng nuôi hiện nay rất đa dạng, trong đó chủ yếu là các đối tượng truyền thống như: Trắm cỏ, trôi, mè, chép, rô phi…Ngoài ra còn có một số đối tượng hiện nay đang dần phát triển như: cá chim trắng, cá vược nước ngọt, tôm càng xanh, cá rô đầu vuông, cá trê lai,…Một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: ba ba, lươn, cá bỗng, cá chiên, cá lăng, cá anh vũ, cá rầm xanh, …và một số loài cá nước lạnh: cá hồi vân, cá tầm.
Về tình hình dịch bệnh, vẫn tập trung chủ yếu là bệnh đốm đỏ trên cá Trắm cỏ, bệnh nấm thủy mi ở giai đoạn cá hương, cá giống; hội chứng lở loét ở cá nuôi thương phẩm, bệnh viêm ruột ở cá rô phi đơn tính. Nguyên nhân chủ yếu là do vào mùa mưa, các yếu tố môi trường trong ao nuôi có sự biến động, điều kiện ao nuôi không đảm bảo, con giống kém chất lượng, thả nuôi không đúng mùa vụ.
Về công tác sản xuất và cung ứng giống, theo số liệu báo cáo của địa phương 6 tháng đầu năm: sản lượng giống của các tỉnh phía Bắc đạt 5-6 tỷ con giống, đáp ứng trên 90% nhu cầu giống thả nuôi của toàn vùng. Đa số các tỉnh trong khu vực đã có trung tâm sản xuất giống thuỷ sản và nhiều trung tâm trong số đó đã triển khai nhiều dự án sản xuất giống nhân tạo (ba ba gai, rô phi đơn tính, cá lăng, tôm càng xanh…). Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng của các trung tâm giống xuống cấp, đàn cá bố mẹ ít được thay thế. Việc kiểm tra chất lượng giống truowcs khi thả nuôi còn hạn chế, do đó, chất lượng giống cung cấp chưa cao dẫn đến sản lượng thấp.
Qua báo cáo của các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, hầu hết các tỉnh đều đạt được kế hoạch đề ra, tuy nhiên, hiện nay các địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn giống, dịch bệnh và đặc biệt là đầu ra cho các sản phẩm cá truyền thống. Nhiều địa phương chưa thống nhất trong công tác quản lý về thú ý thủy sản, do đó, còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý dịch bệnh và an toàn vùng nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản còn thiếu và một số đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Phương thức nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung bàn các giải pháp về quản lý nguồn giống, xây dựng thương hiệu cho các đối tượng thủy sản nuôi, kiến nghị Tổng cục Thủy sản cần sớm tham mưu ban hành bổ sung các quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cho các đối tượng nuôi phục vụ công tác quản lý, tăng cường công tác thông tin, đặc biệt là các quy trình nuôi thương phẩm phục vụ người dân; Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển các mô hình nuôi, kiểm soát dịch bệnh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tốt việc quản lý giống trên cơ sở Thông tư số 26, tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất thủy sản của tỉnh theo hướng tái cơ cấu ngành, tăng cường vai trò của thủy sản trong xây dựng chương trình Nông thôn mới. Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của vùng và nhu cầu thị trường; Tăng cường công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản cũng như đào tạo nguồn nhân lực cho quản lý thủy sản tại địa phương.
Tại Hội nghị PTCT Nguyễn Huy Điền cũng đã yêu cầu Vụ Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Vụ KHCN&HTQT rà soát, bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành NTTS nhằm phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất. Vụ NTTS sớm tham mưu cho Tổng cục có văn bản hướng dẫn công tác phòng chống nóng, chống rét cho các đối tượng thủy sản nuôi.