Sáng 20/1/2014, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Sản xuất sạch hơn của Việt Nam (VNCPC) đã phối hợp với WWF Áo, WWF Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo “Tháo gỡ khó khăn và định hướng sản xuất cá tra bền vững tại Việt Nam”.
Năm 2013, cá tra được xuất khẩu sang 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011. Nhưng cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều rơi vào khó khăn và thua lỗ nặng, không ít doanh nghiệp phải phá sản. Nguyên nhân chính, chi phí nuôi ngày càng cao, giá thành cá nguyên liệu trong 2 năm gần đây ở mức 23.000 – 24.000 đồng/kg, nhưng giá bán cho doanh nghiệp đều thấp hơn từ 500 – 1.000 đồng/kg, trong khi giá xuất khẩu ngày càng giảm từ trên 3 USD/kg, còn 1,8 – 2,2 USD/kg.
Theo các ý kiến tại hội thảo, cá tra từng là sản phẩm “vàng – Sản phẩm trời cho” mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho người dân vùng ĐBSCL, nhưng nay rơi vào tình thế khó khăn, chưa có lối thoát. Do nghịch lý tồn tại dai dẳng, nuôi và chế biến xuất khẩu chưa “gặp nhau” và thiếu tiếng nói chung; liên tiếp đối diện với rào cản thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Còn có hiện tượng doanh nghiệp ép giá cá nguyên liệu để kiếm lời; thi nhau chào bán phá giá để giành hợp đồng, cạnh tranh không lành mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh cá tra. Uy tín và hình ảnh của cá tra ngày càng đi xuống.
Năm 2014, giá thành xuất khẩu cá tra vẫn khó “sáng”
Để thoát ra khỏi khó khăn, ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh việc tập trung vào thúc đẩy thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (Establishing a Sustainable Pangasius Supply Chain in Vietnam – SUPA)” thực hiện trong 4 năm (2013 – 2017) với tài trợ một phần kinh phí của EU (1,89 triệu Euro), do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) – Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì cùng các bên tham gia gồm WWF Việt Nam, WWF Áo và VASEP. Đồng thời đề xuất và kiến nghị, phải gắn với tăng cường xúc tiến thị trường, nâng cao được giá xuất khẩu.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng cần phải giải quyết được nỗi bức bối hiện nay là cá tra đang chiếm thị trường tuyệt đối, nhưng vẫn không quyết định được về giá. Bao bì nhãn mác sản phẩm xuất khẩu cũng chưa được ghi rõ ràng, phần lớn phải ghi theo yêu cầu nhà phân phối. Các cam kết về chất lượng sản phẩm, tỷ lệ mạ băng cũng còn chung chung. Việc yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP… trong vùng nuôi chưa đảm bảo được tăng giá bán ở các thị trường có yêu cầu.
Ông Lê Xuân Thịnh, điều phối viên của dự án SUPA, cho biết trong năm 2014, các giải pháp hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho ngành cá tra sẽ được SUPA hướng tới bao gồm: Công tác marketing và xúc tiến thị trường tại châu Âu; Cải tiến đổi mới sản phẩm và chuyển giao công nghệ nuôi cá tra bền vững; Đào tạo, hỗ trợ xây dựng các chứng nhận bền vững (ASC, Global GAP…); Hỗ trợ các nghiên cứu và hoạt động giảm chi phí sản xuất cá tra (nuôi và chế biến); Áp dụng phương thức sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Dù mong muốn khách hàng châu Âu qua cơn khủng hoảng kinh tế, sẽ quay trở lại tiêu dùng cá tra nhiều hơn nhưng một số doanh nghiệp chế biến cá tra vùng ĐBSCL cũng cảnh báo, năm 2014 vẫn còn tiếp tục khó khăn, chưa có mảng sáng của giá thành xuất khẩu. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ giảm khoảng 5% so với năm 2013, do nguồn nguyên liệu trong nước giảm, chính sách tín dụng của ngân hàng đã mở, lãi suất đã giảm nhưng điều kiện vay vẫn không dễ.