(TSVN) – Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng những nhà sản xuất thực phẩm từ thủy sản rất dễ bị tổn thương trước sự thay đổi môi trường. Các quốc gia có nguy cơ cao nhất và khả năng thích nghi thấp nhất nằm ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi.
Nghiên cứu cho thấy hơn 90% sản lượng thực phẩm “xanh dương” toàn cầu, trong cả đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, phải đối mặt với những rủi ro đáng kể do thay đổi môi trường. Một số quốc gia hàng đầu ở châu Á và Mỹ phải đối mặt với những mối đe dọa lớn nhất đối với sản xuất.
Các tác giả đã đưa ra phân tích đầu tiên trên toàn cầu về các yếu tố gây căng thẳng môi trường ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và độ an toàn của thực phẩm “xanh dương”, lần đầu tiên xếp hạng các quốc gia theo mức độ tiếp xúc với các yếu tố gây căng thẳng chính. Tổng cộng có 17 yếu tố gây căng thẳng đã được khảo sát, bao gồm tảo nở hoa có hại, mực nước biển dâng, nhiệt độ thay đổi, tiếp xúc với thuốc trừ sâu,…
Thực phẩm “xanh dương” hay thực phẩm từ thủy sản là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những biến động của môi trường. Ảnh: iStock
Nghiên cứu được xuất bản bởi Nature Sustainability và có tựa đề “Tính dễ bị tổn thương của thực phẩm xanh đối với sự thay đổi môi trường do con người gây ra”. Đây là một trong tám bài báo khoa học đầu tiên được xuất bản bởi Đánh giá thực phẩm xanh như một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm cung cấp thông tin về thực phẩm thủy sản bền vững trong tương lai.
Bên cạnh biến đổi khí hậu, nghiên cứu này nhấn mạnh rằng các hệ thống sản xuất thực phẩm “xanh dương” dễ bị tổn thương được tìm thấy ở tất cả các châu lục, và nhà sản xuất thực phẩm “xanh dương” lớn nhất thế giới như Na Uy, Trung Quốc và Mỹ cũng vẫn ghi nhận sự thiếu hiểu biết xung quanh sự phức tạp của các yếu tố căng thẳng gây ra thay đổi môi trường.
Ling Cao, đồng tác giả chính làm việc tại Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Khoa học môi trường biển tại Đại học Hạ Môn, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ tìm hiểu sơ bộ về mối liên hệ giữa các tác nhân gây căng thẳng môi trường và cách chúng có thể tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất và độ an toàn của thực phẩm “xanh dương”. Hiểu được sự phức tạp của những yếu tố gây căng thẳng này và các tác động theo tầng của chúng, sẽ rất cần thiết trong việc phát triển các chiến lược thích ứng và giảm thiểu rủi ro”.
Nghiên cứu cũng cho biết sự xâm lấn của các loài, hiện tượng phú dưỡng nội địa hoặc quá giàu chất dinh dưỡng của các vùng nước, sự nóng lên của đại dương và mực nước biển dâng cao là những mối đe dọa chính đối với sản xuất thực phẩm “xanh dương” tại Mỹ, trong đó nghề cá nước ngọt và nước mặn phải đối mặt với những rủi ro lớn không tương xứng.
Là nhà sản xuất thực phẩm “xanh dương” lớn nhất thế giới, nuôi trồng thủy sản nước ngọt của Trung Quốc cũng phải đối mặt với hiện tượng phú dưỡng nội địa và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần đặc biệt chú ý đến các quốc gia phải đối mặt với sự thay đổi môi trường cao nhưng không có đủ năng lực để thích ứng, bao gồm Bangladesh, Benin, Eswatini, Guatemala, Honduras, Togo và Uganda.
Về hệ thống sản xuất, nghiên cứu phát hiện ra rằng nghề cá biển nói chung dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố gây căng thẳng liên quan đến khí hậu, đặc biệt là nhiệt độ tăng và quá trình axit hóa, trong khi nuôi trồng thủy sản dễ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật và tình trạng thiếu ôxy hoặc nồng độ ôxy thấp.
Ngoài ra, khuyến nghị chính của nghiên cứu này là lời kêu gọi về các chiến lược thích ứng và hợp tác xuyên biên giới nhiều hơn, thừa nhận rằng các hệ sinh thái sản xuất thực phẩm “xanh dương” phụ thuộc vào các mối liên hệ chặt chẽ với nhau, và sự thay đổi môi trường ở một khu vực có tác động dây chuyền tiềm ẩn ở những nơi khác. Đồng thời, kêu gọi đa dạng hóa sản xuất thực phẩm “xanh dương” ở các quốc gia có nguy cơ cao để đối phó với tác động của thay đổi môi trường.
Anh Anh
Theo Nature Sustainability