Cá đối mục có khả năng thích nghi rộng. Việc lồng ghép nuôi cá hiệu quả sẽ giúp phát triển nguồn lợi bền vững, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ và tăng thu nhập cho người nuôi.
Nhiều lợi ích
Cá đối mục sinh trưởng tốt trong môi trường nước lợ và nước mặn, có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi. Chúng thích nghi tốt với sự biến động của nồng độ muối từ 0 đến 42‰, khả năng chịu rét tốt nên rất phù hợp điều kiện tự nhiên miền Trung và miền Bắc.
Trong 13 loài cá đối thì cá đối mục được chú ý nhiều nhất vì chúng phân bố rộng, tốc độ sinh trưởng nhanh và kích thước lớn. Ngoài ra, nếu so sánh với các đối tượng cá nuôi khác thì vốn đầu tư để nuôi cá đối mục thường thấp hơn nhiều, đặc biệt là thức ăn. Nhu cầu ôxy hòa tan trong nước của cá đối mục không cao (2 mg/l). Từ giai đoạn ấu trùng tới giai đoạn cá giống chúng chủ yếu ăn động vật phù du, khi trưởng thành chuyển sang ăn thực vật phù du, mùn bã hữu cơ lơ lửng và thảm thực vật đáy. Cá đối mục ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn hữu cơ (tảo sợi, tảo lam, tảo khuê…). Việc sử dụng nguồn thức ăn trên có lợi cho việc cải tạo môi trường ao nuôi. Kỹ thuật nuôi không khó, cá ít dịch bệnh nên tỷ lệ sống cao. Thịt cá đối mục chắc, thơm ngon, giá thương phẩm 120 – 150 nghìn đồng/kg, nhu cầu thị trường rộng mở. Cá đối mục đang được ưa chuộng tại thị trường nội địa, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines…
Lồng ghép hiệu quả
Cá đối mục lâu nay là đối tượng nuôi hiệu quả ở một số địa phương. Tiêu biểu là mô hình nuôi cá đối mục trong ao tại các vùng đất bị bỏ hoang ở Thừa Thiên – Huế. Đây là chương trình triển khai của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhằm phát triển nguồn lợi cá vược, đối mục và hồng mỹ, đồng thời giải quyết vùng nuôi bị ô nhiễm trên nhiều ao nuôi tôm thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang. Mô hình triển khai với 5.000 m2/hộ, mật độ thả 1,5 con/m2, cỡ giống thả 5 – 6 cm. Sau gần 5 tháng nuôi cá đối mục đạt trọng lượng trung bình 0,45 kg/con, tỷ lệ sống 80%, ước sản lượng đến khi thu hoạch đạt 3 tấn, năng suất trên 6 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/hộ. Ông Phan Văn Thanh, một người thực hiện mô hình cho biết: Khi nuôi cá cần thả thêm một ít tôm. Trong quá trình nuôi cả tôm và cá đều phát triển tốt. Hộ ông Thanh đã thả thêm 1kg tôm giống với khoảng 500 con, chỉ sau 1,5 tháng, cho thu hoạch 30 con/kg. Theo cơ quan chuyên môn địa phương, một mô hình này mở ra hướng sản xuất mới, sử dụng tốt vùng đất bỏ hoang do nuôi tôm kém hiệu quả.
>> Cá đối mục (Mugil cephalus) phân bố chủ yếu ở vùng nước lợ, mặn và chịu đựng được nhiệt độ 30 – 35oC, thích hợp nhất là từ 12 – 30oC. Chúng có thân dài, tiết diện tròn, mắt to và có màng mỡ dày, lưng màu xanh ô liu, mặt bên có màu trắng bạc ở phần bụng, chiều dài trung bình 50cm. |