Trong khi các doanh nghiệp cá tra đang huy động vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu thì số hộ nuôi nhỏ “treo ao” ngày càng tăng đáng kể. Vậy để tự “cứu” mình, các hộ nuôi nhỏ nên làm gì?
Người nuôi đuối sức
Các hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL cho biết, hiện giá cá tra nguyên liệu đối với loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 – 1kg/con) được các doanh nghiệp thu mua chỉ 19.000 – 19.500 đồng/kg (mua thiếu 1, 2 tháng). Còn với trường hợp doanh nghiệp mua bằng tiền mặt, giá cá nguyên liệu hiện chỉ còn 18.000 – 18.500 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất trong 3 – 4 năm lại đây; với mức giá này, người nuôi đang lỗ 3.500 – 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tân, hộ nuôi cá tra ở Đồng Tháp chua chát: “Tôi vừa bán ao cá khoảng 170 tấn với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Mặc dù đã chấp nhận bán lỗ nhưng các nhà máy vẫn kỳ kèo 2 – 3 tháng mới thanh toán tiền. Những đợt trước đã lỗ quá nhiều nên gần như người nuôi đã “treo” ao hết. Gia đình tôi ráng cầm cự nhưng tình hình này chắc rồi cũng bỏ nghề”.
Các hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ nên liên kết lại để hình thành vùng nuôi mạnh – Ảnh: An Đăng
Doanh nghiệp đầu tư mạnh
Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra vùng ĐBSCL đang huy động vốn để bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Công ty CP Việt An (Anvifish) thời gian qua đã chào bán 10 triệu cổ phần để phát triển 2 vùng nuôi. Đến cuối tháng 5/2013, số lượng vốn đã huy động từ đợt chào bán khoảng 54,6 tỷ đồng, tương đương 5,46 triệu cổ phần.
Báo cáo cổ đông, ông Lưu Bách Thảo, Tổng Giám đốc Anvifish cho biết, số tiền thu được từ đợt chào bán, dự kiến khoảng 100 tỷ đồng sẽ được sử dụng làm vốn lưu động cho chi phí con giống, nuôi, thức ăn, nhân công, điện nước… để phát triển 2 vùng nuôi; trong đó lượng vốn cần để đầu tư vùng nuôi Phú Thuận 73 tỷ đồng, vùng nuôi Bình Thạnh 27 tỷ đồng.
Đại hội cổ đông thường niên Công ty CP Gò Đàng cuối tháng 6/2013 cũng đã thông qua kế hoạch phát triển các dự án năm 2013, gồm đầu tư thêm vùng nuôi cá nguyên liệu 30 ha để bổ sung cho nhà máy chế biến thủy sản công suất 150 tấn nguyên liệu/ngày chuẩn bị hoạt động từ tháng 9/2013. Giá trị đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/ha. Tổng giá trị đầu tư vùng nuôi 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dự đầu tư dây chuyền thứ 2 cho nhà máy phụ phẩm tại Bến Tre trị giá 30 tỷ đồng cũng được thông qua.
Hướng đi nào?
Càng nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào vùng nguyên liệu nghĩa là các hộ nuôi nhỏ lẻ càng gặp khó khăn. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, hiện tỉ lệ tự túc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đạt hơn 70% và xu hướng ngày càng tăng. Ngược lại, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm mạnh.
Đồng quan điểm, một chuyên gia trong ngành cũng nhận định, trước đây, khi phong trào nuôi cá tra mới phát triển, có tới 90% sản lượng là do nông dân nuôi, 10% doanh nghiệp nuôi; nhưng đến nay thì ngược lại. Lượng cá tra nuôi trong dân đã giảm rất nhiều. Những doanh nghiệp lớn gần như đã chủ động hoàn toàn được nguồn nguyên liệu, chỉ còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ là phải tự xoay sở theo nhiều nguồn: mua trong dân, mua lại của nhà máy có vùng nuôi lớn…
Theo đó, để tự cứu mình, các hộ nuôi nhỏ lẻ nên tham gia các tổ hợp tác, liên kết lại để hình thành vùng nuôi mạnh; từ đó có khả năng quyết định giá bán, tránh tình trạng giá cá lên xuống thất thường…
>> Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2013, một số địa phương nuôi cá tra trọng điểm giảm cả diện tích lẫn sản lượng. An Giang chỉ còn 846 ha, giảm 3% so cùng kỳ năm ngoái (sản lượng 130.000 tấn, giảm 3%); Cần Thơ 746 ha, giảm 5,1%, (61.000 tấn, giảm 6,9%), Vĩnh Long 434 ha, giảm 10,6% (52.000 tấn, giảm 7,6%)… |