Huyện đảo Trường Sa – Hiệu quả đầu tư từ các cơ sở hạ tầng thiết yếu

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ; sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế; sự vào cuộc của các bộ, ban ngành từ Trung ương tới địa phương với tinh thần “cả nước vì Trường Sa”, chúng ta đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống nhà ở để thu hút ngày càng nhiều các hộ dân ra làm ăn, sinh sống định cư lâu dài tại các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Đó là sự cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, tuy nh

Những dự án xây dựng hạ tầng chiến lược

Dự án đầu tư xây dựng Âu tàu tại xã đảo Song Tử Tây, đặc biệt là Dự án năng lượng sạch và chiếu sáng tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 là những dự án có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế lẫn quốc phòng – an ninh. Hiệu quả của các dự án đó không chỉ dừng lại ở việc đánh thức tiềm năng, thu hẹp khoảng cách giữa đất liền và Huyện đảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân nơi đây, mà quan trọng hơn đó là đã góp phần hiện thực hóa chủ trương đưa dân ra sinh sống lập nghiệp tại các hải đảo, tạo ra thế đứng ổn định ở huyện đảo Trường Sa – thế trận lòng dân vững chắc nơi đầu sóng, ngọn gió.

 

 

Khi âu tàu trên xã đảo Song Tử Tây được khánh thành và đưa vào sử dụng đã tạo ra một luồng gió mới, giúp cho cộng đồng ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh, thành lân cận thêm yên tâm, phấn khởi, mạnh dạn vươn khơi, trụ bám dài ngày trên biển để vừa khai thác các tiềm năng, nguồn lợi hải sản, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Bởi lẽ giờ đây, Âu tàu đã thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần đối với lực lượng thuyền viên trên các tàu khai thác hải sản xa bờ mỗi khi gặp sự cố về máy móc, trang bị kỹ thuật và những diễn biến phức tạp về thời tiết, khí hậu (giông, bão) tại ngư trường huyện đảo Trường Sa. Âu tàu không những là nơi tránh gió, tránh bão miễn phí, bảo đảm an toàn cho tàu cá của ngư dân, mà còn là nơi cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá (như: cung ứng nhiên liệu theo giá quy định của Nhà nước trong đất liền; cung cấp nước ngọt miễn phí; cung ứng lương thực, thực phẩm; chăm sóc y tế; sửa chữa tàu thuyền miễn phí tiền công; thu mua, sơ chế hải sản và tiến hành các dịch vụ vận chuyển sản phẩm vào đất liền theo giá thỏa thuận…). Nhờ đó, các tàu khai thác hải sản xa bờ có thể giảm bớt đáng kể thời gian cơ động giữa ngư trường và đất liền; tăng thời gian bám biển để vừa khai thác các nguồn lợi hải sản, vừa góp phần khẳng định chủ quyền và kịp thời phát hiện sự xâm nhập, thăm dò, khai thác trái phép các tài nguyên, nguồn lợi biển của tàu thuyền nước ngoài tại các vùng biển đặc quyền kinh tế của ta. Khi có tình huống phức tạp xảy ra, các tàu khai thác hải sản xa bờ của ngư dân có thể phối hợp cùng lực lượng chuyên trách tiến hành các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển hoặc xua đuổi, ngăn cản việc hạ đặt giàn khoan trái phép của nước ngoài tại các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của ta. Ngoài ra, Âu tàu còn là nơi phát triển và chuyển giao nghề nuôi trồng các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: tu hài, ốc hương, cá Song, cá Vược… tại các lồng, bè trên biển cho bà con ngư dân hiện đang sinh sống tại huyện đảo giàu tiềm năng và có vị trí chiến lược quan trọng này. Theo đó, bà con ngư dân nơi huyện đảo này càng thêm phấn khởi, bởi lẽ giờ đây họ đã có thể tự trang trải cho cuộc sống của bản thân và gia đình nhờ nguồn thu nhập ổn định từ nghề nuôi trồng và chế biến hải sản chứ không phải chỉ trông chờ vào nguồn trợ cấp của Nhà nước.

Cùng với đó, Dự án năng lượng sạch và chiếu sáng trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tài trợ đã góp phần quan trọng vào việc làm đổi thay diện mạo của huyện đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội và nhân dân nơi đây; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Các thiết bị năng lượng gió và mặt trời của Dự án cho phép cung cấp tổng điện năng 5.166 KWh/ngày, đủ cung cấp điện cả ngày lẫn đêm cho hệ thống đèn pha chuyên dụng, hệ thống đèn chiếu sáng cũng như nhu cầu điện học tập, sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội và nhân dân Huyện đảo và Nhà giàn DK1. Nhờ đó, đời sống sinh hoạt, học tập, công tác của quân và dân huyện đảo Trường Sa đã và đang từng bước được cải thiện, nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa đất liền và hải đảo.

 

Tầm quan trọng của năng lượng

Có điện từ nguồn năng lượng sạch, việc tiếp phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam được thuận lợi hơn, trên cơ sở đó, quân và dân huyện đảo Trường Sa có thể tiếp cận, nắm bắt các thông tin kinh tế – xã hội, cũng như các tri thức của cuộc sống một cách nhanh chóng, kịp thời thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước được nhanh chóng, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực nâng cao trình độ dân trí, phòng chống và làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa; xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu. Có điện cũng giúp cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh tại huyện đảo này được thuận lợi hơn, nhất là việc khai thác, đánh bắt, bảo quản và chế biến các sản phẩm từ biển. Nhờ có hệ thống điện ổn định, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế mới có thể mạnh dạn đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến thủy hải sản xuất khẩu có công suất đủ lớn để bao tiêu các sản phẩm hải sản đánh bắt và nuôi trồng của ngư dân tại ngư trường này. Các cơ sở chế biến này không những góp phần giảm thiểu những thất thoát về chất lượng sản phẩm sau khai thác, tạo ra sự phong phú, đa dạng về các sản phẩm thủy hải sản có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; mà còn góp phần thu hút và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, tạo ra lực lượng tại chỗ đủ mạnh, là cơ sở để tăng cường khả năng tự vệ của Huyện đảo. Với lực lượng lao động ngày càng đông đảo trong các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và đánh bắt hải sản xa bờ, cùng với các phương tiện tàu thuyền, cơ sở hạ tầng nghề cá tại ngư trường Trường Sa sẽ góp phần tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc, biến mỗi hòn đảo thành một hạm tàu không thể bị đánh chìm, vừa che chở, bảo vệ đất liền, vừa là căn cứ để tiến ra khai thác các tiềm năng, nguồn lợi ngoài khơi xa. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tiến trình dân sự hóa quần đảo Trường Sa, tạo cơ sở pháp lý có lợi cho việc đấu tranh, khẳng định chủ quyền biển đảo và góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh, duy trì môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tại huyện đảo này.

Như vậy, hiệu quả to lớn, nhiều mặt của việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại huyện đảo Trường Sa, nhất là việc bảo đảm cung ứng nguồn năng lượng sạch, ổn định, cùng với việc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng các điểm xuất phát, các căn cứ hậu cần cho tàu thuyền của ngư dân vươn ra đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, không những đã mở ra một hướng đi mới cho cộng đồng ngư dân, thu hút ngày càng nhiều ngư dân ra làm ăn, sinh sống khai thác các tiềm năng, nguồn lợi của Huyện đảo, góp phần giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ đang ngày một cạn kiệt, mà quan trọng hơn, đó là đã tạo ra thế và lực mới cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng thế trận phòng thủ liên hoàn, vững chắc tại huyện đảo Trường Sa. Thông qua các dự án đầu tư đầy hiệu quả đó, đã giúp cho huyện đảo Trường Sa ngày một thay da, đổi thịt và ngày càng gần đất liền hơn.

 

Đôi điều kiến nghị

Mặc dù đã đạt được những hiệu quả thiết thực, song việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở huyện đảo Trường Sa hiện nay đang rất cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Chính phủ; sự chung tay góp sức, vào cuộc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng mạng lưới y tế trên huyện đảo này. Theo đó, cần tăng cường đầu tư cả về nhân lực, vật lực phục vụ cho việc khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, nhân dân, cùng lực lượng lao động trong khu vực huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1. Đây là một trong những rào cản, tạo tâm lý lo ngại đối với quân và dân huyện đảo mỗi khi phải đối mặt với những tai nạn rủi ro hay những bệnh tật hiểm nghèo nơi đầu sóng, ngọn gió. Ngoài ra, việc đầu tư thành lập các đội tàu công ích đóng vai trò là tàu chợ (tàu khách) để hàng tuần, hàng tháng (hoặc hàng quý) vừa làm nhiệm vụ vận chuyển sản phẩm khai thác được từ biển vào đất liền, vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu từ đất liền ra đảo, vừa đưa đón ngư dân từ đất liền ra đảo làm ăn (và ngược lại), cũng là một trong những dự án cần sớm được ưu tiên triển khai đầu tư để rút ngắn hơn nữa khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền; tạo điều kiện thuận lợi để Trường Sa thực sự trở thành huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng – an ninh.  

 

Huyện đảo Trường Sa – một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Khánh Hòa, nằm ở khu vực phía Nam Biển Đông, cách đất liền 250 hải lý. Đây là nơi không những có nhiều tài nguyên, nguồn lợi biển, mà còn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng – an ninh. Cùng với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa được xem như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ vững chắc sườn phía Đông của đất nước. Các chuyên gia quân sự đã chỉ ra rằng, ai kiểm soát được khu vực quần đảo Trường Sa thì kiểm soát được Biển Đông và kiểm soát được Biển Đông thì sẽ có vị trí chiến lược rất mạnh ở Đông Nam Á. Chính vì vậy, khu vực quần đảo Trường Sa hiện đang chứa đựng, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Thời gian gần đây, một số nước trong khu vực có nhiều động thái mới, làm cho tình hình Biển Đông cũng như khu vực Trường Sa thêm căng thẳng, đã và đang trực tiếp đe dọa sự toàn vẹn chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia của nước ta trên biển.

TS Nguyễn Văn Dung

(Học viện Hải Quân)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!