Đức Phổ là một trong những địa phương được triển khai Đề án 52 tại tỉnh Quảng Ngãi. 2 năm trở lại đây, mặc dù nguồn kinh phí được tài trợ bị cắt giảm nhưng địa phương vẫn hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Vượt chỉ tiêu 2014
Đề án 52 được triển khai tại 6 xã: Phổ Châu, Phổ Thạnh, Phổ Khánh, Phổ Vinh, Phổ An, Phổ Quang. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dân số huyện Đức Phổ, tính đến cuối tháng 10/2014, địa phương đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2014. Trong quá trình triển khai, huyện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng qua các năm thực hiện, những cách làm của Trung tâm tới các xã, thôn ngày càng “ngấm” và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tính đến cuối tháng 10, hoạt động khám chữa bệnh toàn huyện với số người thực hiện đình sản đạt 152% kế hoạch, dụng cụ tử cung đạt 127%, thuôc tiêm tránh thai đạt 173%, thuốc cấy tránh thai đạt 62,5%, thuốc uống tránh thai đạt 85,4%, số người sử dụng bao cao su đạt 120%. Trung tâm còn kết hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng triển khai và tổ chức thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại các xã, thị trấn đợt I và II/2014, qua đó đã khám bệnh phụ khoa cho 1.607 ca, trong đó phát hiện bệnh cho 884 ca (chiếm 55,01%); tiến hành xét nghiệm cho 374 ca (chiếm 23,27%); siêu âm cho 95 ca (chiếm 5,91%). Trong hoạt động tuyên truyền, Trung tâm đã tổ chức nói chuyện chuyên đề trực tiếp về SKSS/KHHGĐ, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, với 3.215 lượt người tham dự. Nhân Ngày Dân số Thế giới, Trung tâm đã cấp phát 17 tấm băng rôn tuyên truyền cho các xã, thị trấn; tiếp nhận và cấp phát 16 băng đĩa tuyên truyền; nhận và cấp phát 15 quyển sổ tay theo dõi ; 90 tấm tranh và 9.100 tờ rơi các loại tuyên truyền về giảm thiểu mất cân bằng gới tính khi sinh. Trung tâm còn tiếp nhận từ Chi cục DS – KHHGĐ Quảng Ngãi 7.000 tờ bướm, tờ rơi tuyên truyền cho đối tượng nam, nữ vị thành niên.
Chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân huyện Đức Phổ – Ảnh: CTV
Trong năm 2014, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 16,09%, mức giảm tỷ suất sinh 0,13‰, tỷ số giới tính khi sinh với104 bé trai/100 bé gái, số con trung bình 2,02 con. Trong quá trình triển khai, cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và hai đồn biên phòng 300, 304 tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông, vận động về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, góp phần đem lại kết quả chung. Các cán bộ đồn biên phòng tham gia vận động cùng cán bộ dân số và trực tiếp tuyên truyền tại các xã thuộc vùng biển Mỹ Á, Sa Huỳnh tại các xã Phổ Vinh, Phổ Quang, Phổ Thạnh.
Các cán bộ dân số đều làm việc trên tinh thần vượt khó, tự nguyện… và kết hợp với các ban ngành cùng tham gia, do đó đã đem lại những kết quả nhất định. Đồng thời, với những biện pháp tuyên truyền như hiện nay, công tác dân số tại xã ngày càng đi vào ổn định, nền nếp, số lượng dân số qua các năm biến động không nhiều…
Kế hoạch 2015
Năm 2015, Trung tâm tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý; phấn đấu giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên; khống chế tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh. Cụ thể, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 15,03%, mức giảm sinh 0,1%, tỷ số giới tính khi sinh 103 bé trai/100 bé gái. Tổng các biện pháp tránh thai với 5.850 người, trong đó, thực hiện đình sản cho 23 người, dụng cụ tử cung cho 1.100 người, thuốc cấy cho 8 người, thuốc tiêm 190 người, thuốc uống 1.800 người, sử dụng bao cao su cho 2.729 người. Trung tâm tiếp tục triển khai hàng loạt các hoạt động như tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện các mô hình tư vấn và sức khỏe tiền hôn nhân, chiến dịch truyền thông… với các hoạt động truyền thông nhân ngày Dân số Thế giới, Dân số Việt Nam, phối hợp với Đài Phát thanh, Truyền hình đưa các tin, bài về thực hiện chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ, xây dựng kế hoạch truyền thông và chỉ đạo Ban DS – KHHGĐ xã, thị trấn cùng triển khai. Đồng thời, để hoạt động của công tác dân số đạt hiệu quả hơn nữa, Trung tâm tiếp tục duy trì những mô hình Câu lạc bộ dân số không sinh con thứ 3. Đến nay, toàn huyện có 16 Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, trong đó có những mô hình với 20 cặp vợ chồng tham gia, được duy trì hơn 10 năm trở lại đây.
Để việc thực hiện được thuận lợi hơn, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo thì trung tâm mong muốn nguồn kinh phí không bị cắt giảm và được Trung ương gửi sớm để việc phân bổ hàng năm được thuận tiện, đồng thời nguồn kinh phí không bị cắt giảm để chương trình hoạt động đúng mục tiêu, hiệu quả hơn…
>> Tính đến tháng 10/2014, huyện Đức Phổ với dân số khoảng 143.564 người, trong đó, số phụ nữ 15 – 49 tuổi là 39.807 người, phụ nữ từ 15 – 49 tuổi có chồng là 22.261 người. Việc thực hiện Đề án 52 tại địa phương đã làm thay đổi nhận thức, hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 cho những đối tượng tham gia. |