Huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu: Đề án 52 cần được tiếp sức

Chưa có đánh giá về bài viết

Hòa Bình là một trong những huyện của tỉnh Bạc Liêu được triển khai Đề án 52 từ năm 2009. Trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. Mong muốn lớn nhất hiện nay của địa phương là được cấp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên.

Khó trăm bề

Huyện Hòa Bình có 3 xã được triển khai Đề án 52, gồm Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A, Vĩnh Thịnh. Dân số các xã là 31.532 người; trong đó, 15.673 phụ nữ (11.422 phụ nữ có chồng). Có 11.422 cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai  (BPTT) hiện đại, tỷ lệ áp dụng 73%.

Do bị cắt giảm kinh phí, mọi hoạt động của địa phương cầm chừng, nhiều hoạt động bị cắt giảm. Tính chung từ đầu năm đến nay, địa phương chỉ tổ chức được một chiến dịch truyền thông, với nội dung lồng ghép các hoạt động dân số như tuyên truyền lợi ích, ý nghĩa công tác dân số, vai trò của việc sinh đủ con, các BPTT hiện đại, tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho mọi đối tượng… Năm 2015, kinh phí bị cắt giảm nhiều, để thực hiện chiến dịch tuyên truyền, những dịch vụ khám bệnh, tư vấn… đều phải dựa vào sự hỗ trợ từ ngân sách UBND huyện Hòa Bình.

Chính vì vậy, những chủ trương và đường lối thực hiện chỉ đạo từ Chi cục Dân số đến các xã còn mờ nhạt, người dân chưa thực quan tâm hoạt động này. Trong khi đó, nghề đi biển, với đặc thù lao động vất vả, cần nhiều thời gian, nhiều nam giới, cộng với việc tuyên truyền còn “vắng bóng” nên Đề án chưa thực hấp dẫn, chưa đem lại kết quả mong muốn cho mọi đối tượng tham gia.

đề án 52 huyện hòa bình bạc liêu

Phụ nữ huyện Hòa Bình hoạt động trong lĩnh vực thủy sản – Ảnh: Phan Thanh Cường

Nói về kết quả hoạt động của Đề án, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Hòa Bình cho biết, với những khó khăn về kinh phí, trong quá trình thực hiện, địa phương hoàn toàn chủ động phối, kết hợp với những dự án khác, lồng ghép vào cuộc họp của các đơn vị, đoàn thể liên quan để tuyên truyền. Cùng với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Trung tâm đã hướng cho cộng tác viên tuyên truyền nội dung liên quan Đề án một cách sâu rộng. Ngoài ra, đội ngũ này phổ biến những chính sách của ngành dân số với các đối tượng, chú trọng đối tượng nam giới cùng tham gia. 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã chủ động chỉ đạo các xã biển sớm triển khai các hoạt động truyền thông tư vấn, nói chuyện chuyên đề và lồng ghép dịch vụ KHHGĐ; song gặp nhiều khó khăn về kinh phí tuyên truyền tư vấn.

Bà Loan cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, Vĩnh Thịnh là địa phương khó khăn nhất của 3 xã, do dân cư chủ yếu tại đây là người nhập cư từ nơi khác đến, công việc đi biển lênh đênh, vất vả ngoài khơi thời gian dài, tỷ lệ người tham gia hoạt động dân số còn hạn chế, nhiều gia đình sinh con thứ 3, thứ 4 trở lên. Xã có gần 10 ấp thực hiện Đề án, lực lượng cộng tác viên dân số 19 người nhưng việc tuyên truyền thực hiện còn khiêm tốn.

 

Hỗ trợ kinh phí hoạt động

Phần nào tháo gỡ những khó khăn và duy trì hoạt động Đề án, Trung tâm mong muốn được cấp kinh phí thường xuyên, có điều kiện chăm lo và thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền nhiều hơn nữa, đồng thời phối hợp các hoạt động và chủ động thực hiện theo kế hoạch.

Các cộng tác viên dân số tại địa phương cho rằng, để Đề án có “hồn”, cần đầu tư thỏa đáng cho công tác truyền thông, tư vấn cung cấp đủ phương tiện truyền thông, sản phẩm truyền thông và kinh phí giám sát hoạt động. Hiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị đặc thù chưa đầy đủ, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao hiệu quả dịch vụ cho người dân. Đặc biệt, thiếu dụng cụ y tế, thuốc đặc trị cho người lao động tại các vựa cá và điểm có đông người nhập cư. Ngoài ra, chi phí cho mỗi lần đi tuyên truyền lưu động không có, cộng với những rủi ro mà tiền thù lao cộng tác viên chưa thoả đáng, chưa kịp thời để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tất cả những khó khăn này sẽ được giải quyết khi có ngân sách triển khai.

Mục tiêu của Đề án là tiếp tục thực hiện một số mô hình, dự án thiết thực, đặc biệt là tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến các xã trọng điểm. Đồng thời, tiến hành hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông, dần lấp đầy những “khoảng trống” về khó khăn trong chăm sóc SKSS/KHHGĐ của người dân vùng biển, ven biển.        

>> Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Hòa Bình thực hiện một đợt chiến dịch cho các xã, với 1.275 người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ, 65 bà mẹ mang thai được khám, 631 người được khám phụ khoa.

Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!