(TSVN) – Một số trang trại tôm ở Indonesia và Ecuador đang thử nghiệm mô hình nuôi tôm kết hợp phục hồi rừng ngập mặn, thông qua nguồn quỹ của một số tổ chức phi chính phủ. Nếu thành công, mô hình này sẽ được mở rộng trên quy mô lớn hơn.
Dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy trong 30 năm qua, các trại nuôi tôm đã tăng sản lượng tới 1.000% nhưng cái giá phải trả đó là sự biến mất của các khu rừng ngập mặn. Khoảng 40% diện tích rừng ngập mặn trên toàn cầu đã bị chặt phá, phần lớn để xây dựng các trại nuôi tôm.
Một phần diện tích nuôi tôm, phần còn lại kết hợp trồng rừng ngập mặn là hướng đi bền vững cho ngành tôm. Ảnh: Shutterstock
Rừng ngập mặn không chỉ là hệ sinh thái đa dạng, còn là nơi sinh sống của nhiều loài chim, cá và bò sát; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn còn bảo vệ con người trước thiên tai, bão lũ, nước biển dâng. Khi những cánh rừng này biến mất, lượng carbon tích tụ trong cây và đất sẽ đi vào khí quyển, đe dọa đời sống của con người.
Theo Dane Klinger, chuyên gia nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Blue Foods, hầu hết các trại nuôi tôm ở Ecuador và Indonesia đều có năng suất thấp. Đơn cử, một trại nuôi tôm rộng gần 1 ha chỉ sản xuất được 450kg tôm mỗi vụ. Vì vậy, người nông dân có thể tăng sản lượng tôm trên diện tích nuôi nhỏ hơn và khôi phục rừng ngập mặn trên phần đất còn lại. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là tôm không có hệ miễn dịch tốt nếu một con mắc bệnh thì cả trại nuôi cũng có nguy cơ bị lây lan.
Dane Klinger đề xuất giải pháp sử dụng ao đất, hoặc ao lót bạt, thêm sục khí, máy cho ăn tự động, đào tạo nhân lực lao động để họ có thể áp dụng thành thạo các biện pháp thực hành nuôi tôm tốt nhất. Những công cụ này có thể giúp người nuôi tôm quản lý tốt hơn nữa chất lượng nước và các điều kiện trong trang trại, từ đó thúc đẩy nuôi tôm an toàn và nâng cao sản lượng. Tuy nhiên, chi phí ban đầu sẽ rất tốn kém. Do đó, Blue Food và tổ chức bảo tồn Conversational International đang thành lập quỹ cho vay chuyên dụng để chi trả cho những thay đổi vào đào tạo này.
Quỹ cho vay là cơ hội giúp nông dân tiếp cận tài chính, tiếp cận kỹ thuật nuôi bền vững và tiên tiến để mở rộng nuôi thâm canh trên một phần trang trại của họ. Giải pháp này cũng giúp nông dân nuôi được nhiều tôm hơn, đồng thời khôi phục rừng ngập mặn. Các chương trình thí điểm đang được thử nghiệm ở Indonesia và Ecuador. Nếu thành công, mô hình nuôi tôm kết hợp phục hồi rừng ngập mặn sẽ được mở rộng trên quy mô lớn hơn.
Tuấn Minh (Theo Thefishsite)